Việc thưởng Tết cho người lao động ở Việt Nam hình thành như là một văn hóa. Tùy vào kết quả hoạt động kinh doanh, hiệu suất làm việc của người lao động mà doanh nghiệp sẽ căn cứ vào đó để thưởng tết. Nhưng việc thưởng tết có bắt buộc hay không, tiền thưởng tết có phải đóng thuế TNCN, TNDN và BHXH không? Dưới đây chúng tôi xin trả lời cho những câu hỏi này.

  1. Doanh nghiệp có bắt buộc phải thưởng Tết?

Hiện nay, Bộ luật lao động 2012 không có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao động, tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 103 Bộ luật này quy định tiền thưởng được xác định căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Như vậy, doanh nghiệp có thể không thưởng Tết cho người lao động nếu không thu được lợi nhuận từ việc sản xuất, kinh doanh và người lao động không hoàn thành công việc.

Tiền thưởng Tết do người sử dụng lao động quyết định, được công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở bằng Quy chế thưởng.

Hình thức thưởng Tết cho người lao động tùy thuộc vào văn hóa doanh nghiệp cũng như điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp.

  1. Tiền thưởng Tết có phải đóng thuế TNCN, TNDN không?

* Đối với thuế TNDN:

Tiền thưởng Tết cho người lao động được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn thuế TNDN.

Điều kiện để đưa tiền thưởng Tết vào chi phí hợp lệ được trừ khi tính thuế TNDN như sau:

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC và theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC quy định về khoản chi không được trừ thì:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

… 

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

b) Các Khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.”

Như vậy, để tiền thưởng Tết của doanh nghiệp được đưa vào chi phí hợp lý được trừ thì tiền thưởng này phải: được quy định cụ thể (bao gồm mức tiền và các điều kiện được hưởng) tại Hợp đồng lao động hoặc Thỏa ước lao động tập thể hoặc Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn hoặc Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

* Đối với thuế TNCN:

Theo khoản 2 điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:

Các khoản thu nhập chịu thuế TNCN gồm:

– Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

Như vậy:

– Khoản tiền thưởng Tết là khoản thu nhập chịu thuế TNCN.

– Thời điểm tính thuế TNCN là thời điểm DN chi trả lương thưởng cho NLĐ.

  1. Tiền thưởng Tết có phải đóng BHXH bắt buộc không?

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

Theo quy định tại các văn bản nêu trên thì từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm: các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca…

Như vậy, tiền thưởng Tết của người lao động làm việc tại doanh nghiệp không làm căn cứ để tính đóng BHXH.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật lao động 2012.

– Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

– Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

– Thông tư 96/2015/TT-BTC.

– Thông tư 78/2014/TT-BTC.

Nguồn: Thư viện pháp luật

Previous PostNext Post

Leave a Reply