Các doanh nghiệp có chương trình khuyến mại để cạnh tranh trong việc bán hàng. Vậy khi bán hàng khuyến mại doanh nghiệp phải ghi nhận như thế nào?

1. Chương trình khuyến mại là gì?

Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.

Các chương trình khuyến mại phải được đăng ký với Sở Công Thương nơi tổ chức khuyến mại tối thiểu trước 3 ngày thực hiện khuyến mại.

Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng hoặc chỉ thực hiện bán hàng và khuyến mại thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến thì không phải đăng ký chương trình khuyễn mại với Sở Công Thương.

2. Giá tính thuế đối với hàng khuyến mại

Nếu chương trình khuyến mại đã được đăng ký với Sở Công Thương thì giá tính thuế bằng 0

Nếu chương trình khuyến mại không được đăng ký với Sở Công Thương thì giá tính thuế bằng giá bán hàng hóa, dịch vụ cùng loại.

3. Hạch toán hàng khuyến mại

Bên thực hiện chương trình khuyến mại (bên bán)

– Trường hợp xuất hàng để khuyến mại không kèm điều kiện như phải mua sản phẩm, hàng hóa… thì kế toán ghi nhận giá trị hàng tồn kho vào chi phí bán hàng.

Ví dụ: Công ty A xuất kho 10.000 gói dầu gội X với giá xuất kho 800 đồng/gói để phát cho khách hàng dùng thử, công ty A hạch toán như sau:

Nợ 641: Tổng giá trị hàng hóa và thuế GTGT (nếu có)

Có 156: 10.000 x 800 = 8.000.000

Có 3331: 800.000 (nếu chương trình KM này không đăng ký với Sở Công Thương)

– Trường hợp xuất hàng để khuyến mại kèm điều kiện như phải mua sản phẩm, hàng hóa…:

  • Nếu hàng khuyện mại là sản phẩm cùng loại: thì kế toán phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn (trường hợp này bản chất là giảm giá hàng bán)
  • Nếu hàng khuyến mại là sản phẩm khác loại: giá trị hàng khuyến mại ghi vào chi phí bán hàng.

Ví dụ: Công ty A có chương trình KM đã đăng ký vớ Sở Công Thương như sau: mua 2 gói bột giặt giá 30.000 đồng/gói (chưa VAT) được tặng kèm 1 gói cùng loại, mua 5 gói sẽ được tặng một cái giỏ nhựa giá 80.000

  • Nếu khách hàng mua 2 gói được tặng 1 gói:

Nợ 111 66.000

Có 511: 60.000 (3sp)

Có 3331: 6.000

Nợ 632/Có 156: giá vốn 3sp

  • Nếu khách hàng mua 5 gói được tặng 1 giỏ nhựa:

Nợ 111: 165.000

Có 511: 150.000 (5 sp)

Có 3331: 15.000

Nợ 632/Có 156: giá vốn 5 sp bột giặt

Nợ 641/Có 156: 80.000 (giá trị giỏ nhựa tặng KH)

Bên nhận hàng khuyến mại:

– Nếu nhận hàng khuyến mại cùng loại, phân bổ giá trị nhập kho cho tất cả sản phẩm nhận được

– Nếu nhận hàng khuyến mại khác loại: ghi nhận giá trị hàng khuyến mại vào thu nhập khác.

Theo ví dụ trên:

  • Nếu mua 2 gói được tặng 1 gói:

Nợ 156: 60.000 (3sp)

Nợ 1331: 6.000

Có 111: 66.000

  • Nếu mua 5 gói được tặng 1 giỏ nhựa:

Nợ 156: 150.000

Nợ 1331: 15.000

Có 111: 165.000

Nợ 156/Có 711: 80.000

4. Một số lưu ý về khuyến mại

a, Ủy quyền thực hiện chương trình khuyến mại

  • Trường hợp nhà cung cấp (NCC) ủy quyền cho (NPP) thực hiện chương trình khuyến mại giúp mình, NCC đưa sẵn hàng hóa khuyến mại cho NPP, đăng ký sẵn chương trình khuyến mại thì NPP hạch toán, lập hóa đơn cho khách hàng tương tự như trường hợp chương trình khuyến mại thực hiện bởi NCC.
  • Trường hợp NCC yêu cầu NPP thực hiện chương trình khuyến mại bằng hàng hóa của NPP, đến khi kết thúc chương trình khuyến mại, NCC sẽ thanh toán lại toàn bộ giá trị hàng hóa khuyến mại đã thực hiện thì bản chất là NPP cũng cấp dịch vụ thực hiện chương trình khuyến mại cho NCC. Do đó, NPP ghi nhận giá trị hàng khuyến mại vào tài khoản 154 để tính giá thành dịch vụ khuyến mại. Kết thúc đợt khuyến mại, NCC thanh toán thì NPP lập hóa đơn dịch vụ khuyến mại cho NCC

b, Khuyến mại bằng phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, voucher

  • Các phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vu, voucher được xem như giấy tờ có giá.
  • Khi doanh nghiệp mua phiếu mua hàng của nhà cung cấp như siêu thị… thì nhà cung cấp phiếu mua hàng lập phiếu thu, doanh nghiệp lập phiếu chi tương ứng chứ không lập hóa đơn
  • Khi doanh nghiệp tặng phiếu mua hàng cho khách hàng cũng không lập hóa đơn mà lập phiếu chi tương ứng.
  • Chương trình khuyến mại này phải được đăng ký, nếu không đăng ký thì chi phí của chương trình khuyến mại không được đưa vào chi phí được trừ.

c, Phân biệt Chiết khấu thương mại và Khuyến mại

Chiết khấu thương mại Khuyến mại
– Là khoản mà người bán giảm trừ cho người mua khi người mua đã mua hàng với số lượng lớn. – Là khoản giảm trừ, chiến thuật bán hàng nhằm thúc đẩy doanh số.
– Là thoả thuận giữa 2 bên và quy định cụ thể trong hợp đồng. – Công khai và phải có thông báo/đăng ký với Sở công thương
– Giá tính thuế là giá đã trừ chiết khấu. – Giá tính thuế = 0 nếu đăng ký khuyến mại.
– Hợp đồng có thể được duy trì thường xuyên, mang tính trung, dài hạn. – Chỉ được thực hiện theo từng đợt đăng ký với cơ quan quản lý và bị giới hạn trong thời gian nhất định
Thường áp dụng cho khách hàng bán buôn (bán sĩ). – Áp dụng cho mọi khách hàng, thường cho khách hàng mua lẻ.

Tổng hợp bởi VinaTas – Đại lý Thuế

Previous PostNext Post

Leave a Reply