Doanh nghiệp sử dụng tài sản cố định không tránh khỏi hỏng, bị lỗi cần phải tiến hành sửa chữa lớn. Với trường hợp này kế toán sẽ sử lý ra sao, chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định có được tính vào chi phí hợp lý không, cần những chứng từ gì? VinaTas – Đại lý Thuế gửi đến bạn đọc bài viết sửa chữa lớn tài sản cố định.

1. Khái niệm:

  • Sửa chữa TSCĐ: là việc duy tu, bảo dưỡng, thay thế sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình hoạt động nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu của TSCĐ.
  • Nâng cấp TSCĐ: là hoạt động cải tạo, xây lắp, trang bị bổ sung thêm cho TSCĐ nhằm nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, tính năng tác dụng của TSCĐ so với mức ban đầu hoặc kéo dài thời gian sử dụng của TSCĐ; đưa vào áp dụng quy trình công nghệ sản xuất mới làm giảm chi phí hoạt động của TSCĐ so với trước.

2. Tính vào chi phí được trừ:

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư Số 45/2013/TT-­BTC:

“ 1. Các chi phí doanh nghiệp chi ra để đầu tư nâng cấp TSCĐ được phản ánh tăng nguyên giá của TSCĐ đó, không được hạch toán các chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.

Các chi phí sửa chữa TSCĐ không được tính tăng nguyên giá TSCĐ mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm…”

  • Như vậy:

+ Nếu sửa chữa lớn làm tăng công suất, kéo dài thời gian sử dụng, giảm chi phí hoạt động của TSCĐ => Vốn hóa, làm tăng nguyên giá TSCĐ.

+ Nếu sửa chữa chỉ khôi phục năng lực hoạt động của TSCĐ => hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ không quá 3 năm

3. Một số lưu ý

– Đối với những TSCĐ mà việc sửa chữa có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa theo dự toán vào chi phí hàng năm.

+ Nếu: thực chi > phần đã trích theo dự toán => tính thêm vào chi phí hợp lý số chênh lệch này.

+ Nếu: thực chi < phần đã trích theo dự toán => phần chênh lệch được hạch toán giảm chi phí kinh doanh trong kỳ

– Các chi phí liên quan đến TSCĐ vô hình phát sinh sau ghi nhận ban đầu, nếu:

  • Được đánh giá một cách chắc chắn
  • Làm tăng lợi ích kinh tế của TSCĐ vô hình so với ban đầu
  • Phản ánh tăng nguyên giá TSCĐ.

– Các chi phí khác liên quan đến TSCĐ vô hình nhưng không đáp ứng điều kiện nêu trên thì hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.

Đối với trường hợp sửa chữa TSCĐ đi thuê: Nếu trong hợp đồng thuê tài sản (bao gồm cả thuê hoạt động và thuê tài chính) quy định bên đi thuê có trách nhiệm sửa chữa tài sản trong thời gian thuê thì chi phí sửa chữa TSCĐ đi thuê được phép hạch toán vào chi phí hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh nhưng thời gian tối đa không quá 3 năm.

4. Hồ sơ để đưa vào chi phí được trừ có thể bao gồm:

  • Biên bản ghi nhận trạng thái thiệt hại của tài sản
  • Dự toán , kế hoạch sửa chữa TSCĐ
  • Quyết định phê duyệt
  • Thư mời các đơn vị báo giá
  • Hợp đồng thi công sửa chữa, thanh lý hợp đồng
  • Chứng từ thanh toán

Tổng hợp bởi VinaTas – Đại lý Thuế

Previous PostNext Post

Leave a Reply