Trên thực tế, có nhiều cá nhân thay đổi nơi làm việc trong một năm. Việc thay đổi này có thể là do nhu cầu của người lao động (NLĐ) muốn làm một công việc khác hoặc do sự điều chuyển công tác theo chỉ định của doanh nghiệp. Vậy thì, cá nhân khi điều chuyển công tác, thay đổi nơi làm việc trong năm như vậy có được ủy quyền cho doanh nghiệp quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thay hay không? Chúng tôi xin mời quý thành viên xem bài viết dưới đây.
1. Người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới trong trường hợp tổ chức cũ thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp và NLĐ được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới (tổ chức được hình thành sau khi tổ chức lại doanh nghiệp) mà trong năm NLĐ không có thêm thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi nào khác thì vẫn được uỷ quyền quyết toán cho tổ chức mới.
Do đó, nếu cuối năm NLĐ có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho NLĐ (nếu có) để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho NLĐ theo quy định tại tại Điểm a.4.1 Khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC.
Trường hợp doanh nghiệp thực hiện quyết toán thuế theo ủy quyền của người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ sang thì có trách nhiệm quyết toán thuế đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả.
Lưu ý: Khi khai quyết toán thuế TNCN và quyết toán ủy quyền cho người lao động:
– Tại chỉ tiêu [36] của Tờ khai Khấu trừ thuế TNCN (theo mẫu 05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC): Doanh nghiệp khai tổng số thuế TNCN đã khấu trừ đối với toàn bộ thu nhập từ tiền lương, tiền công được chi trả tại đơn vị, không bao gồm thuế TNCN đã khấu trừ tại các đơn vị khác của NLĐ được điều chuyển.
– Tại chỉ tiêu [19] của Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo biểu lũy tiến từng phần (Theo mẫu 05-1/BK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC): Doanh nghiệp khai tổng số thuế TNCN đã khấu trừ trong năm của NLĐ, bao gồm thuế TNCN đã khấu trừ tại doanh nghiệp và thuế TNCN theo chứng từ khấu trừ thuế tại các đơn vị khác của NLĐ được điều chuyển.
2. Điều chuyển người lao động giữa các tổ chức trong cùng một hệ thống
Trong trường hợp doanh nghiệp điều chuyển NLĐ giữa các tổ chức trong cùng một hệ thống như tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con, trụ sở chính và chi nhánh thì NLĐ cũng được ủy quyền quyết toán thuế như đối với trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp được nêu tại trường hợp 1.
Ví dụ 1: Anh A chuyển đến từ chi nhánh cùng hệ thống doanh nghiệp X thực hiện ủy quyền quyết toán thuế, đã có chứng đã có chứng từ khấu trừ thuế từ chi nhánh cũ, vậy thì doanh nghiệp kê khai trên mẫu biểu quyết toán thuế như thế nào?
=> Đối với trường hợp NLĐ điều chuyển trong cùng hệ thống đã được tổ chức trả thu nhập cũ cấp chứng từ khấu trừ thuế, nếu cuối năm NLĐ có ủy quyền cho tổ chức mới quyết toán thuế thay thì tổ chức mới phải thực hiện thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho NLĐ. Trong trường hợp này khi thực hiện quyết toán thuế, tổ chức cũ thực hiện khai quyết toán thuế theo thực tế phát sinh, còn tổ chức mới thực hiện quyết toán thuế thay cần lưu ý thực hiện khai quyết toán thuế như sau: Tại Phụ lục 05-1/BK-QTT-TNCN: khai tổng các khoản phát sinh trong năm của người lao động được điều chuyển tại cả hai công ty. Tại chỉ tiêu [35] Tờ khai 05/QTT-TNCN: khai tổng số thuế TNCN đã khấu trừ đối với toàn bộ thu nhập từ tiền lương, tiền công được chi trả tại tổ chức mới, không kê khai số thuế đã khấu trừ tại tổ chức cũ để tránh làm sai lệch về nghĩa vụ khấu trừ của tổ chức mới. |
Ví dụ 2: Doanh nghiệp Y có NLĐ chuyển công tác trong cùng hệ thống năm 2017, tuy nhiên năm 2018 vẫn được nhận một số khoản thưởng tại chi nhánh, vậy thì thu nhập của NLĐ này kê khai như thế nào trong tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân và các bảng kê trong biểu quyết toán.
=> Theo quy định tại Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên thì tổ chức trả thu nhập khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần; đối với cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân. Do đó, trường hợp NLĐ đã chuyển công tác trong cùng hệ thống năm 2017, thì đến năm 2018 người lao động đó được xác định là không còn ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại đơn vị cũ nữa, nên năm 2018 đơn vị cũ nếu có chi trả các khoản thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho người lao động. Khi thực hiện quyết toán thuế năm 2018, tổ chức cũ thực hiện kê khai những cá nhân điều chuyển công tác có phát sinh chi trả thu nhập năm 2018 tại Phụ lục 05-2/BK-QTT-TNCN. |
3. Trường hợp cá nhân trong năm làm ở 2 nơi khác nhau nhưng không thuộc trường hợp 1 và 2 nêu trên
Đối với NLĐ trong năm làm việc tại hai nơi và không thuộc hai trường hợp nêu trên, nếu thuộc trường hợp phải quyết toán thuế TNCN thì phải trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế, mà không được ủy quyền quyết toán thuế cho doanh nghiệp chi trả thu nhập thực hiện thay (quy định tại Khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC).
Trong trường hợp cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, doanh nghiệp trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì doanh nghiệp không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN, chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Bảng kê 05A/BK-TNCN” để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.
Căn cứ pháp lý:
Nguồn: Thư viện pháp luật