Mỗi năm đến kỳ quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp thì một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm nhất chính là các khoản chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động như thế nào thì được hoặc không được tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Việc hiểu sai hoặc nắm không rõ những quy định của pháp luật về tiền lương của người lao động dẫn đến thực hiện không theo quy định và gây ra những tổn thất đang kể cho doanh nghiệp. Vậy khi thực hiện các khoản chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động, doanh nghiệp cần phải chú ý đến những điểm nào?
Theo quy định tại điểm 2.5 khoản 2 Điều 4, thông tư số 96/2015/TT-BTC, ngày 22/6/2015 của Bộ tài chính: Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC), điều kiện để các khoản chi về lương được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là:
- Phải thực tế chi trả hoặc có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.
- Được quy định cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
*Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người nước ngoài trong đó có ghi khoản chi về tiền học cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông và trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động mà các khoản chi trả này có tính chất tiền lương, tiền công, không trái với các quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Các khoản chi tiền lương không được tính vào chi phí được trừ nếu không đáp ứng đủ 2 điều kiện kể trên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:
- Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề.
- Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.
- Chi phí tiền lương, tiền công làm thêm giờ vượt quá 200 giờ/năm
- Chi phí tiền lương, tiền công cho người lao động thời vụ dưới 3 tháng không được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động.
Bên canh đó, có 2 vấn đề mà doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý trong mối quan hệ giữa tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động với Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vấn đề thứ nhất là các khoản trích trước tiền lương, tiền thưởng. Trong vòng 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính mà doanh nghiệp chưa chi tiền lương, tiền thưởng đã trích trước cho người lao động thì khoản trích trước này sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Khoản chi này tuy không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nhưng vẫn hạch toán trên sổ sách theo kế toán và được điều chỉnh vào chỉ tiêu B4 của tờ khai quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp sau 90 ngày, doanh nghiệp thực hiện chi trả khoản chi phí lương này, thì khoản chi này sẽ được tính vào chi phí được trừ của năm thực chi.
Vấn đề thứ hai là trích lập quỹ dự phòng tiền lương. Để đề phòng những rủi ro trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp sẽ trích lập quỹ dự phòng tiền lương để chi trả lương cho người lao động trong năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.
Trường hợp năm trước doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không hết thì vẫn tính vào chi phí được trừ của năm quyết toán. Trường hợp sau 6 tháng (180 ngày) kể từ khi kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp chưa chi hoặc chi không hết thì doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm chi phí năm sau.
Ví dụ: Năm 2017, doanh nghiệp A (áp dụng kỳ tính thuế theo năm dương lịch) trích lập quỹ dự phòng tiền lương là 30 triệu đồng. Đến ngày 31/3/2018 (sau 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính) là thời hạn nộp báo cáo quyết toán năm 2017, doanh nghiệp A vẫn chưa sử dụng quỹ dự phòng tiền lương này thì doanh nghiệp vẫn được tính vào chi phí được trừ số tiền 30 triệu trong năm quyết toán 2017. Nhưng đến ngày 30/6/2018 (sau 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính) mà doanh nghiệp A vẫn chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng này thì doanh nghiệp A phải điều chỉnh giảm chi phí của năm 2018.