Hàng hóa vi phạm nhãn hiệu thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hết hạn sử dụng, hàng gây ô nhiễm môi trường, hay hàng hóa sai hồ sơ nhập khẩu … bị cơ quan chức năng tịch thu là câu chuyện đôi lúc xảy ra ở một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu.
Vậy, có phải nộp thuế GTGT hàng bị tịch thu? hàng hóa bị cơ quan chức năng của Nhà nước tịch thu thì thuế GTGT đã nộp có được khấu trừ, có được hoàn thuế?
Hàng hóa bị tịch thu có phải nộp thuế GTGT?
Theo Điều 158 Bộ luật dân sự 91/2015/QH13 quy định quyền sở hữu tài sản như sau:
“Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật“.
Cũng theo Bộ luật dân sự 91/2015/QH13, Khoản 6 Điều 237 thì tài sản, hàng hóa bị tịch thu sẽ mất quyền sở hữu.
Mặt khác, tại Điều 2, 3, 4 Luật thuế GTGT 13/2008/QH13 quy định về thuế GTGT như sau:
“Điều 2. Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Điều 3. Đối tượng chịu thuế
Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.
Điều 4. Người nộp thuế
Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu).“.
Như vậy, hàng hóa chưa nộp thuế mà bị tịch thu thì doanh nghiệp mất quyền sở hữu lô hàng đó nên không phải nộp thuế GTGT (nếu có).
Thuế GTGT đã nộp của hàng hóa bị tịch thu có được hoàn lại tiền?
Căn cứ Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12; Luật thuế GTGT số 31/2Q13/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT; Nghị định số 209/2013/NĐ-CP; Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP; Khoản 1 Điều 49 Thông tư số 38/2015/TT-BTC; Nghị định 100/2016/NĐ-CP (ngày 01/07/2016), Nghị định 146/2017/NĐ-CP (ngày 15/12/2017).
Đối chiếu với các quy định của Luật thuế hiện hành trên thì hoàn thuế GTGT chỉ áp dụng áp dụng với hàng hóa xuất khẩu, dự án đầu tư mới (có thuế GTGT chưa khấu trừ hết trên 300 triệu đồng), nộp thừa tiền thuế, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp … đối với những doanh nghiệp có số thuế GTGT chưa khấu trừ hết.
Đối với thuế GTGT đã nộp của hàng hóa bị tịch thu không được xem là nộp nhầm, nộp thừa tiền thuế (quy định tại Khoản 2(b, c) Điều 33 Thông tư số 156/2013/TT-BTC) và không có văn bản thuế nào quy định hoàn thuế đối với hàng hóa bị tịch thu. Do đó, thuế GTGT đã nộp đối với hàng hóa bị cơ quan chức tịch thu sẽ không được hoàn thuế.
Thuế GTGT đã nộp của hàng hóa bị tịch thu có được khấu trừ?
Để làm rõ vấn đề này, có lẻ chúng ta cần xem xét điều kiện khấu trừ thuế GTGT của Luật thuế GTGT hiện nay. Theo Khoản 10, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC) quy định về hóa đơn được khấu trừ thuế như sau:
“Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.”
…
“ Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên…”.
Như vậy, điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì doanh nghiệp phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, có chứng chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa có hóa đơn giá trị trên 20 triệu đồng.
Do đó, thuế GTGT đã nộp đối với lô hàng bị cơ quan chức năng tịch thu được khấu trừ thuế nếu đáp ứng được điều kiện khấu trừ thuế theo Thông tư 26/2015/TT-BTC, ngoại trừ hàng cấm, hàng không hợp pháp (tất nhiên hàng cấm, hàng bất hợp pháp thì hóa đơn của chúng là bất hợp pháp).
Tóm lại, thuế GTGT đối với hàng hóa bị tịch thu cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Hàng hóa bị tịch thu mà doanh nghiệp chưa nộp thuế GTGT thì không phải nộp thuế.
– Hàng hóa bị tịch thu mà doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT thì không được hoàn thuế.
– Hàng hóa bị tịch thu vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (nếu có hóa đơn hợp pháp).
Theo Ketoan.biz