Việc doanh nghiệp phá sản là một trong những căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp. Một thắc mắc được đặt ra là: Công ty phá sản người lao động có được trả lương không?
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có tới 88.000 DN phá sản, chờ giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Trong đó, 55.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 20,3%), 25.500 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 34,1%), 7.300 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 6,5%) (theo tin tức từ TTCK). Doanh nghiệp phá sản kéo theo nỗi lo về tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động.
- Người lao động có được yêu cầu doanh nghiệp phá sản không?
Khi tình hình kinh tế khó khăn, tiền lương của người lao động trở thành gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nợ lương người lao động triền miên và gần như không có khả năng chi trả. Cuộc sống của người lao động cũng vì thế mà trở nên chật vật, khốn khó.
Theo khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản 2014, người lao động có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày doanh nghiệp có nghĩa vụ trả lương mà doanh nghiệp không trả. Trong đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cần phải có nội dung về tổng số tiền lương mà doanh nghiệp không trả cho người lao động.
Một doanh nghiệp bị coi là phá sản là khi mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
- Có phải chấm dứt HĐLĐ khi DN tuyên bố phá sản?
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014:
“Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”
Một trong những nội dung bắt buộc của quyết định tuyên bố phá sản là việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.
Trong khi đó, theo khoản 7 ĐIều 34 Bộ luật lao động 2019 theo các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm
“…Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động…”
Như vậy, cùng với việc công ty bị tuyên bố phá sản thì hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng sẽ chấm dứt.
- Khi doanh nghiệp phá sản, lương người lao động trả thế nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 48 Bộ luật lao động 2019, trường hợp doanh nghiệp phá sản thì tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán.
Thứ tự ưu tiên thanh toán khi doanh nghiệp phá sản được liệt kê cụ thể tại khoản 1 “Điều 54 Luật Phá sản như sau:
- Chi phí phá sản;
- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;
- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.”
Như vậy, tài sản của doanh nghiệp sẽ được lập danh sách kiểm kê và phân chia theo thứ tự quy định nêu trên. Trường hợp doanh nghiệp còn tài sản để trả cho người lao động thì người lao động sẽ được nhận lại tiền lương và các khoản chi phí khác, nếu doanh nghiệp không còn tài sản để trả nợ thì người lao động có nguy cơ bị mất trắng khoản tiền nợ này.
- Công ty phá sản, người lao động được nhận những gì?
Như đã phân tích ở trên, việc công ty phá sản là một trong những căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp, do đó, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi theo Điều 48 Bộ luật Lao động 2019.
Do người lao động được ưu tiên thanh toán thứ hai nên nếu sau khi trả chi phí phá sản, doanh nghiệp vẫn có đủ khả năng thanh toán thì người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
4.1 Được thanh toán tiền lương cho những ngày làm việc chưa thanh toán
Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp doanh nghiệp phá sản có thể kéo dài thời hạn thanh toán nhưng không được quá 30 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 48 BLLĐ 2019.
Theo đó, công ty phải có trách nhiệm chi trả tiền lương lao động theo thời gian làm việc thực tế chưa được thanh toán lương trong thời gian quy định.
4.2 Được hưởng trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại Điều 46 BLLĐ năm 2019, người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được người sử lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trừ trường hợp người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu.
4.3 Được thanh toán các loại bảo hiểm và các khoản lợi ích khác
Ngoài việc được trả tiền lương, trợ cấp thôi việc, doanh nghiệp còn phải thanh toán các loại bảo hiểm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cùng những khoản lợi ích khác cho người lao động theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký.
Về trợ cấp thất nghiệp, Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Theo Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: