Ví dụ dưới đây về trường hợp công ty có phát sinh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót đã thực hiện xử lý hóa đơn sai sót bằng hình thức lập hóa đơn điều chỉnh sau đó lại phát hiện hóa đơn điều chỉnh này có sai sót?
Tình huống: Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Công ty chúng tôi phát sinh vướng mắc về việc điều chỉnh hóa đơn GTGT (hóa đơn điện tử TT78) như sau: Hợp đồng gốc có tổng giá trị hàng hóa dịch vụ là 100.000.000đ, tiền thuế 10.000.000đ, tổng giá trị 110.000.000đ. Do kế toán sai sót đã xuất hóa đơn 90.909.091đ, thuế 9.090.909đ, tổng giá trị 100.000.000đ. Sau khi phát hiện sai sót đã lập hóa đơn điều chỉnh tăng lần 1 cho hóa đơn gốc nhưng lại lập hóa đơn với giá trị 100.000.000đ, thuế 10.000.000đ, tổng giá trị 110.000.000đ nữa do đó hệ thống hoadondientu.gdt.gov.vn ghi nhận doanh thu của DN tôi xuất là 190.909.091, thuế 19.090.909đ, tổng giá trị 210.000.000đ. Vậy trong trường hợp này DN tôi phải xuất hóa đơn điều chỉnh lần 2 là điều chỉnh số tăng đúng cho hóa đơn gốc hay phải điều chỉnh giảm tổng giá trị của HĐ gốc và HĐ điều chỉnh lần 1 cho đúng giá trị hợp đồng. Kính mong BTC, TCT giải đáp vướng mắc để DN thực hiện đúng chính sách thuế.
Căn cứ pháp lý
– Căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:
“Điều 19. Xử lý hóa đơn có sai sót
- Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:
…
b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:
b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).
…”
– Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài Chính (Thông tư số 78/2021/TT-BTC) hướng dẫn xử lý hóa đơn điện tử, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót trong một số trường hợp:
“Điều 7. Xử lý hóa đơn điện tử, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót trong một số trường hợp
…c) Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu;”
…
e) Riêng đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì: điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh.
Cục thuế TP. Cần Thơ trả lời:
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp công ty có phát sinh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót đã thực hiện xử lý hóa đơn sai sót bằng hình thức lập hóa đơn điều chỉnh theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Sau đó, công ty lại phát hiện hóa đơn điều chỉnh này có sai sót thì công ty tiếp tục thực hiện lập hóa đơn điều chỉnh theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu, đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh theo quy định tại điểm c, điểm e Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021.