Cơ sở pháp lý

– Căn cứ Điều 4 Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021):

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

…16. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.

…36. Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán là hoạt động quản lý trong việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán và các tài sản khác của quỹ đầu tư chứng khoán.

…37. Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích thu lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc vào các tài sản khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hằng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ.

…41. Quỹ thành viên là quỹ đầu tư chứng khoán có số thành viên tham gia góp vốn từ 02 đến 99 thành viên và chỉ bao gồm thành viên là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.”

– Căn cứ Điều 11 Thông tư số 224/2012/TT-BTC ngày 26/12/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đóng, quỹ thành viên hướng dẫn về phân chia lợi tức của quỹ như sau:

“Điều 11. Phân chia lợi tức của quỹ

  1. Nhà đầu tư được nhận lợi tức từ quỹ theo chính sách phân phối lợi nhuận quy định tại điều lệ quỹ và theo phương án phân chia đã được đại hội nhà đầu tư gần nhất thông qua. Lợi tức chi trả cho nhà đầu tư được trích từ lợi nhuận trong kỳ, hoặc lợi nhuận lũy kế sau khi trích lập đầy đủ các quỹ (nếu có) theo quy định tại điều lệ quỹ và hoàn tất mọi nghĩa vụ thuế, tài chính (nếu có) theo quy định của pháp luật.

  1. Việc chi trả lợi tức quỹ bảo đảm nguyên tắc:

a) Phù hợp với chính sách phân chia lợi nhuận quy định tại điều lệ quỹ và đã công bố tại bản cáo bạch, bản cáo bạch tóm tắt;

b) Thực hiện sau khi quỹ đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định tại điều lệ quỹ (nếu có);

…”

– Căn cứ Điều 21 Thông tư 183/2011/TT-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và quản lý Quỹ mở hướng dẫn về chính sách phân chia lợi nhuận của Quỹ như sau:

“Điều 21. Chính sách phân chia lợi nhuận của quỹ

  1. Công ty quản lý quỹ được phân chia lợi nhuận của quỹ cho nhà đầu tư theo quy định tại điều lệ quỹ và chính sách phân chia lợi nhuận đã được công bố tại bản cáo bạch. Lợi nhuận phân chia được trích từ nguồn lợi nhuận để lại của quỹ. Công ty quản lý quỹ chỉ được phân chia lợi nhuận khi quỹ đã hoàn thành hoặc có đủ năng lực tài chính để hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định tại điều lệ quỹ; ngay sau khi trả hết số lợi nhuận đã định, quỹ vẫn phải bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác đến hạn. Lịch trình và kế hoạch thực hiện phải được công bố công khai tại bản cáo bạch và trên trang thông tin điện tử của công ty quản lý quỹ.

  1. Công ty quản lý quỹ phải khấu trừ mọi khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật trước khi phân chia lợi nhuận cho nhà đầu tư.

…”

– Căn cứ Điều 7 Thông tư số 98/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021), quy định về phân phối lợi nhuận của Quỹ thành viên:

“Điều 7. Phân phối lợi nhuận

…2. Việc chi trả lợi tức quỹ bảo đảm nguyên tắc:

a) Lợi tức phân phối cho nhà đầu tư được lấy từ nguồn lợi nhuận trong kỳ hoặc lợi nhuận lũy kế sau khi quỹ đã hoàn tất mọi nghĩa vụ thuế, tài chính theo quy định pháp luật;

…”

– Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội, đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội.

– Căn cứ Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:

+ Tại Điều 2 quy định về người nộp thuế:

“1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác dưới các hình thức: Công ty cổ phần; Công ty trách nhiệm hữu hạn; Công ty hợp danh; Doanh nghiệp tư nhân; Văn phòng Luật sư, Văn phòng công chứng tư; Các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; Các bên trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, Xí nghiệp liên doanh dầu khí, Công ty điều hành chung.

…2. Tổ chức nước ngoài sản xuất kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính. Các tổ chức này nếu có hoạt động chuyển nhượng vốn thì thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn tại Điều 14 Chương IV Thông tư này.”

+ Tại Khoản 6 Điều 8 quy định về thu nhập được miễn thuế TNDN:

“6. Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với doanh nghiệp trong nước, sau khi bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, liên doanh, liên kết đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, kể cả trường hợp bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, bên liên doanh, liên kết được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.”

– Căn cứ Luật thuế thu nhập cá nhân 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007:

+ Tại khoản 1 Điều 2 quy định về đối tượng nộp thuế TNCN như sau:

“1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.”

+ Tại khoản 2 Điều 23 (đã được sửa đổi tại khoản 7 Điều 2 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014) và Điều 27 quy định thuế suất đối với thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân là 5%.

– Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân:

+ Tại Khoản 3 Điều 2 hướng dẫn về thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn:

“3. Thu nhập từ đầu tư vốn:

e) Các khoản thu nhập nhận được từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, bằng danh tiếng, bằng quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế.”

+ Tại điểm d khoản 1 Điều 25 hướng dẫn khấu trừ thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn:

“Điều 25. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế

  1. Khấu trừ thuế

Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau:

d) Thu nhập từ đầu tư vốn

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ đầu tư vốn theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập cho cá nhân trừ trường hợp cá nhân tự khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 9, Điều 26 Thông tư này. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư này.

– Căn cứ Phụ Lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế quy định mẫu biểu hồ sơ khai thuế.

– Căn cứ Điều 1 Thông tư số 103/2020/TT-BTC ngày 26/11/2020 của Bộ Tài chính bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và liên tịch ban hành trong lĩnh vực thuế, quản lý tài sản công và quản lý nợ công (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2021):

“Điều 1. Bãi bỏ toàn bộ 21 văn bản văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế

  1. Thông tư số 100/2004/TT-BTC ngày 20/10/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực chứng khoán;

…14. Thông tư số 72/2006/TT-BTC ngày 10/08/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 100/2004/TT-BTC ngày 20/10/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực chứng khoán;”

– Căn cứ Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ Tài chính quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

Công văn 29737/CTHN-TTHT hướng dẫn chính sách thuế đối với Quỹ thành viên

– Việc chi trả lợi tức của Quỹ thành viên cho các nhà đầu tư cần đảm bảo nguyên tắc theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 98/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính, theo đó lợi tức phân phối cho nhà đầu tư được lấy từ nguồn lợi nhuận trong kỳ hoặc lợi nhuận lũy kế sau khi quỹ đã hoàn tất mọi nghĩa vụ thuế, tài chính theo quy định pháp luật.

– Thu nhập được chia của nhà đầu tư là tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài từ hoạt động góp vốn vào quỹ thành viên sau khi quỹ đã nộp thuế TNDN theo quy định của Luật thuế TNDN thì được miễn thuế TNDN theo quy định tại Khoản 6 Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính

– Về thuế TNCN, trường hợp nhà đầu tư cá nhân nhận được lợi tức bằng tiền từ đầu tư vào Quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì thực hiện kê khai, nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn với mức thuế suất 5%. Tổ chức trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo hướng dẫn tại điểm d khoản 1 Điều 25 Thông tư Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính.

– Về mẫu biểu hồ sơ khai thuế, đề nghị Công ty nghiên cứu Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính. Về hệ thống mục lục ngân sách nhà nước, đề nghị Công ty nghiên cứu Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ Tài chính.

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply