Theo quy định, nghỉ không lương là một trong những quyền lợi của người lao động. Ở một góc độ khác, liệu đây có phải là nghĩa vụ mà người lao động phải tuân theo?

  1. Công ty tự cho người lao động nghỉ không lương được không?

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động chỉ phải nghỉ không lương trong các trường hợp sau:

(1) – Chủ động thỏa thuận với công ty về việc nghỉ không hưởng lương

Theo quy định tại khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có thể tự do thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ không hưởng lương.

(2) – Khi người thân người lao động kết hôn, chết

Theo khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn, người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày nhưng phải thông báo cho người sử dụng lao động biết.

(3) – Trường hợp ngừng việc do lỗi của người lao động

Theo khoản 2 Điều 99 Bộ luật Lao động đã nêu rõ, người lao động phải ngừng việc do lỗi của chính họ thì không được trả lương.

(4) – Thuộc một trong các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động.

Căn cứ khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019, trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương.

Trong đó, các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động bao gồm:

– Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia Dân quân tự vệ.

– Người lao động bị tạm giữ, tạm giam.

– Người lao động bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc.

– Lao động nữ mang thai, nếu làm việc có ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

– Người lao động được bổ nhiệm quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước.

– Người lao động được ủy quyền thực hiện quyền, trách nhiệm đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

– Người lao động được ủy quyền thực hiện quyền, trách nhiệm với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác.

– Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

Theo phân tích trên, công ty không thể tự ý cho người lao động nghỉ không lương. Chỉ khi có lý do mà luật quy định hoặc có thỏa thuận từ cả hai phía, công ty mới được phép cho người lao động nghỉ không hưởng lương.

  1. Tự ý cho người lao động nghỉ không lương, công ty có bị phạt?

Như đã đề cập ở phần trước, người sử dụng lao động không được tự ý cho người lao động nghỉ không lương.

Trường hợp người lao động phải nghỉ làm do công ty yêu cầu mà không có thỏa thuận và không có các lý do khác thì sẽ được coi là ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động.

Lúc này, theo quy định tại khoản 1 Điều 99 Bộ luật Lao động, người lao động phải được trả đủ lương theo hợp đồng lao động trong thời gian ngừng việc.

Nếu tự cho người lao động nghỉ mà không chịu trả lương, người sử dụng lao động sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Mức phạt đặt ra đối với người sử dụng lao động sẽ được căn cứ vào số lượng người lao động bị vi phạm. Cụ thể:

– Có từ 01 – 10 người lao động bị vi phạm: Phạt 05 – 10 triệu đồng.

– Có từ 11 – 50 người lao động bị vi phạm: Phạt 10 – 20 triệu đồng.

– Có từ 11 – 100 người lao động bị vi phạm: Phạt 20 – 30 triệu đồng.

– Có từ 101 – 300 người lao động bị vi phạm: Phạt 30 – 40 triệu đồng.

– Có từ 301 người lao động bị vi phạm trở lên: Phạt 40 – 50 triệu đồng.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (theo điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

  1. Người lao động nghỉ làm những vẫn được hưởng nguyên lương trong trường hợp nào?

Căn cứ theo Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:

“Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”

Như vậy, khi thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 trên đây thì người lao động có quyền nghỉ việc nhưng vẫn được hưởng đủ lương trong những ngày đó.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply