1. Về nội dung văn bản số 3473/TCHQ-TTHK ngày 5 tháng 7 năm 2023 của Tổng cục Hải quan

Căn cứ theo các thông tin Tổng cục Hải quan nêu tại mục 3.3 văn bản số 3473/TCHQ-TTHK ngày 5 tháng 7 năm 2023 của Tổng cục Hải quan thì:

Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (Doanh nghiệp dự án) ký hợp đồng cung cấp than ngày 27 tháng 12 năm 2016 với Công ty China Huadian Engineering Co., Ltd (pháp nhân Trung Quốc không có hiện diện tại Việt Nam). Công ty China Huadian Engineering Co., Ltd mua than của Công ty TNHH Welhunt Việt Nam (than được nhập khẩu từ Úc, Indonesia đã được Công ty TNHH Welhunt Việt Nam kê khai, làm thủ tục nhập khẩu và đóng đầy đủ các khoản thuế ở khâu nhập khẩu theo quy định).

(i) Chủ thể hợp đồng: Giữa Công ty China Huadian Engineering Co., Ltd (pháp nhân Trung Quốc), không có hiện diện tại Việt Nam và Công ty TNHH Welhunt Việt Nam.

(ii) Hình thức mua bán: Là hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước, vì địa chỉ và mã số thuế cả 2 bên mua bán đều ở Việt Nam.

(iii) Luồng hàng: Hàng hóa di chuyển trong nội địa Việt Nam, không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.

Theo các thông tin về thực tế thực hiện của Công ty nêu tại văn bản số 3473/TCHQ-TTHK ngày 5 tháng 7 năm 2023 của Tổng cục Hải quan, hoạt động mua bán hàng hóa nêu trên không phải là hoạt động xuất khẩu – nhập khẩu theo quy định của Luật Thương mại 2005 và không thuộc phạm vi quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo Nghị định số 90/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.

  1. Quy định pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

– Qua rà soát, Luật Hải quan không có quy định về xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Khái niệm cụ thể về “xuất nhập khẩu tại chỗ” chỉ có trong quy định của pháp luật hải quan (Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP), cụ thể:

Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định:

“Điều 35. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

  1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ bao gồm:

a) Hàng hóa đặt gia công tại Việt Nam và được tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt gia công bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam;

b) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.”

Trình tự, thủ tục hải quan thực hiện theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 2 Luật Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thuộc đối tượng chịu thuế.

Thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ được quy định tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định này).

– Pháp luật thương mại và pháp luật quản lý ngoại thương không có quy định về xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, trừ quy định về “xuất khẩu tại chỗ” trong hoạt động gia công hàng hóa (khoản 3 Điều 182 Luật Thương mại, điểm e khoản 1 Điều 42 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương).

– Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, quy định kinh doanh khoáng sản bao gồm xuất khẩu, nhập khẩu khoáng sản và phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 14 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP và Thông tư số 23/2021/TT-BCT ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu do Bộ Công Thương quản lý.

Theo Phụ lục III – Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương thì Khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng) được quản lý theo hình thức Ban hành danh mục xuất khẩu có điều kiện, quy định điều kiện hoặc tiêu chuẩn.

Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 2 Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính thì Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn “quản lý thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước”.(CV 8091/BCT-PC)

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply