Trường hợp dự án đầu tư của công ty không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký theo quy định của pháp luật thì có được được hoàn thuế giá trị gia tăng hay không?
1.Không góp đủ vốn điều lệ có được hoàn thuế không?
Dự án đầu tư của doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ sẽ không được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư đó sang kỳ tiếp theo.
Cụ thể theo khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế của Quốc hội số 106/2016/QH13 quy định:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2013/QH13:
[…]
3. Khoản 1 và khoản 2 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:
1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với các trường hợp:
a) Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động;
b) Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
=> Theo quy định trên, cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký sẽ không được hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư.
Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo các công văn hướng dẫn sau:
Công văn số 1549/TCT-CS ngày 24/04/2018 về việc hoàn thuế GTGT khi chưa góp đủ vốn điều lệ:
“Căn cứ các hướng dẫn nêu trên, về nguyên tắc: cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký theo quy định của pháp luật. Cục Thuế tỉnh Nam Định căn cứ vốn điều lệ đã góp của doanh nghiệp đối chiếu với vốn điều lệ ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế đối với dự án đầu tư để xử lý việc hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính.”
Công văn số 3749/TCT-KK ngày 28/09/2021 hướng dẫn hoàn thuế GTGT:
“Căn cứ các quy định nêu trên và theo trình bày tại công văn của Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng, Công ty CP Năng lượng Tái tạo Vĩnh Châu-TDC thực hiện dự án đầu tư “Dự án Nhà máy điện gió Lạc Hòa – giai đoạn 1 tỉnh Sóc Trăng” và Công ty Cổ phần Năng lượng Sóc Trăng thực hiện dự án đầu tư “Dự án Nhà máy điện gió số 7”. Tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế, Công ty CP Năng lượng Tái tạo Vĩnh Châu-TDC và Công ty Cổ phần Năng lượng Sóc Trăng đã góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì không thuộc trường hợp không được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại điểm c1 khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính.
Dự án Nhà máy điện gió Lạc Hòa – giai đoạn 1 tỉnh Sóc Trăng” của Công ty CP Năng lượng Tái tạo Vĩnh Châu-TDC và “Dự án Nhà máy điện gió số 7” của Công ty Cổ phần Năng lượng Sóc Trăng đã có Giấy phép hoạt động điện lực thì Cục Thuế căn cứ tình hình thực tế để xử lý việc hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của Công ty CP Năng lượng Tái tạo Vĩnh Châu-TDC và Công ty Cổ phần Năng lượng Sóc Trăng theo quy định.”
2. Có phải tăng vốn điều lệ khi góp vốn thực hiện dự án?
Khi góp vốn thực hiện dự án hoặc trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư có thể tăng vốn góp vào dự án mà không cần tăng vốn điều lệ.
Để hiểu được vấn đề này, trước tiên cần phân biệt được vốn điều lệ và vốn đầu tư dự án.
Theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
34. Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Vốn điều lệ sẽ được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo khoản 23 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020:
23. Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Vốn đầu tư của dự án là vốn góp của nhà đầu tư và vốn do nhà đầu tư huy động để thực hiện dự án đầu tư được ghi tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Qua đây, có thể thấy, vốn điều lệ và vốn đầu tư đều là tài sản mà nhà đầu tư góp vào để thực hiện hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên vốn điều lệ của doanh nghiệp không nhất thiết phải tương đương với vốn đầu tư của dự án.
Một doanh nghiệp có thể có nhiều dự án, số vốn đầu tư sẽ được ghi nhận vào mỗi dự án riêng biệt, doanh nghiệp thực hiện góp vốn đầu tư là có thể huy động nguồn vốn khác để thực hiện dự án.
Do đó, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền tăng vốn góp vào dự án mà không cần tăng vốn điều lệ miễn là đáp ứng các quy định tại quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư có thể tăng vốn góp vào dự án mà không cần tăng vốn điều lệ.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: