Theo quy định tại Điều 81 Thông tư 200 thì các khoản giảm trừ doanh thu bao gồm: chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán và hàng bán bị trả lại. Như vậy thì chiết khấu thanh toán không phải là một khoản giảm trừ doanh thu. Chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa chiết khấu thanh toán và chiết khấu thương mại. Chiết khấu thanh toán là khoản người bán giảm trừ cho người mua do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn hợp đồng. Còn chiết khấu thương mại là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.Việc không nhận định rõ bản chất của các khoản giảm trừ doanh thu dẫn đến thực hiện sai các nguyên tắc kế toán tài khoản này làm ảnh hưởng đến BCTC của doanh nghiệp. Vậy nguyên tắc thực hiện các khoản giảm trừ doanh thu được quy định cụ thể như thế nào?

1) Chiết khấu thương mại:

a. Trường hợp người mua mua đạt số lượng được hưởng chiết khấu thương mại mà người bán quy định ngay trong 1 lần mua, thì người bán lập hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng đã thể hiện khoản chiết khấu thương mại cho người mua là khoản giảm trừ vào số tiền người mua phải thanh toán (giá bán phản ánh trên hoá đơn là giá đã trừ chiết khấu thương mại).

Ví dụ: Người bán có chính sách bán hàng là mua 1000 sản phẩm thì được chiết khấu 10%, giá bán 100.000 đồng/sản phẩm. Người mua mua ngay 1100 sản phẩm, thì người bán phải lập hóa đơn bán 1100 sản phẩm với giá bán là 100.000 x (1-10%) = 90.000 đồng/sản phẩm.

*Trường hợp này bên bán ghi nhận doanh thu theo giá đã trừ chiết khấu thương mại cho người mua.

b. Trường hợp người mua mua nhiều lần mới đạt đến số lượng được hưởng chiết khấu thương mại:

– Nếu giá trị hàng hóa mua trong lần mua cuối cùng lớn hơn giá trị chiết khấu thương mại được hưởng thì người bán lập hóa đơn theo đơn giá bán chưa trừ chiết khấu, dòng tiếp theo ghi chiết khấu thương mại (kèm bảng kê chúng minh người mua đủ điều kiện hưởng chiết khấu). Chiết khấu thương mại ghi số dương trên hóa đơn.

Ví dụ: Với chính sách bán hàng như trên, đến lần mua thứ 10, người mua mua 300 sản phẩm thì đạt đủ 1000 sản phẩm và được hưởng chiết khấu thương mại. Thì người bán lập hóa đơn bán 300 sản phẩm với giá 100.000 đồng/sản phẩm, dòng tiếp theo ghi chiết khấu thương mại được hưởng là 10% x 100.000 x 1000 =10.000.000. Giá trị thanh toán còn lại là 20.000.000.

– Nếu giá trị hàng hóa mua lần trong lần mua cuối cùng nhỏ hơn giá trị chiết khấu thương mại được hưởng thì không được ghi chiết khấu thương mại vượt giá trị hóa đơn mà phải trừ dần vào các hóa đơn kế tiếp. Nếu không còn lần mua kế tiếp thì lập 2 hóa đơn, một hóa đơn ghi chiết khấu thương mại kèm với giá trị hàng hóa, 1 hóa đơn chỉ ghi chiết khấu thương mại.

Ví dụ: Cũng chính sách bán hàng như trên, đến lần mua thứ 10, người mua mua 50 sản phẩm thì đạt đủ 1000 sản phẩm và được hưởng chiết khấu thương mại. Người bán lập hóa đơn bán 50 sản phẩm giá 100.000 đồng/sản phẩm, dòng tiếp theo ghi giá trị chiết khấu thương mại là 5.000.000, giá trị thanh toán còn lại là 0 đồng, phần chiết khấu thương mại còn lại sẽ được trừ dần vào hóa đơn của các lần mua kế tiếp. Nếu không còn lần mua kế tiếp thì người bán lập thêm 1 hóa đơn nữa ghi giá trị chiết khấu thương mại là 5.000.000 đồng giao cho người mua.

c. Trường hợp các nhà sản xuất cuối kỳ mới xác định được số lượng hàng mà nhà phân phối (như các siêu thị) đã tiêu thụ và từ đó mới có căn cứ để xác định được số chiết khấu thương mại phải trả dựa trên doanh số bán hoặc số lượng sản phẩm đã tiêu thụ và lập hóa đơn:
– Nếu hóa đơn được lập trước khi nộp BCTC thì hạch toán vào sổ sách kế toán kỳ này
– Nếu hóa đơn được lập sau khi nộp BCTC thì hạch toán vào sổ sách kế toán của kỳ sau

*** Trong các trường hợp ở mục b và c, người bán ghi nhận doanh thu theo giá bán chưa trừ chiết khấu thương mại, phần chiết khấu thương mại sẽ được theo dõi riêng và hạch toán vào tài khoản 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu.

Lưu ý: Đối với khoản thưởng doanh số thì theo công văn số 488 của Tổng cục thuế hướng dẫn thì bản chất là một khoản chiết khấu thương mại nên được xử lí, theo dõi, hạch toán như chiết khấu thương mại.

2) Giảm giá hàng bán:
Giảm giá hàng bán là khoản giảm trừ cho người mua do sản phẩm, hàng hoá kém, mất phẩm chất hay không đúng quy cách theo quy định trong hợp đồng kinh tế. Bên bán hàng thực hiện kế toán giảm giá hàng bán theo những nguyên tắc sau:

Trường hợp trong hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng đã thể hiện khoản giảm giá hàng bán cho người mua là khoản giảm trừ vào số tiền người mua phải thanh toán (giá bán phản ánh trên hoá đơn là giá đã giảm) thìbên bán ghi nhận doanh thu bán hàng theo giá đã giảm (doanh thu thuần).

Trường hợp chấp thuận giảm giá sau khi đã bán hàng (đã ghi nhận doanh thu) và phát hành hoá đơn (giảm giá ngoài hoá đơn) do hàng bán kém, mất phẩm chất… thì ghi nhận donah thu theo giá chưa giảm và hạch toán khoản giảm trừ này vào tài khoản 521.

Trường hợp giảm giá hàng bán do thực hiện chương trình khuyến mãi, doanh nghiệp phải có kế hoạch, chương trình cụ thể, đăng ký chương trình khuyến mãi với cơ quan có thẩm quyền và công khai chương trình khuyến mãi đến người mua.

– Nếu có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì khi lập hóa đơn, giá trị của hàng khuyến mãi được xác định theo giá bán bằng 0. Người bán căn cứ hóa đơn để khai thuế GTGT, ghi nhận doanh thu và hạch toán vào tài khoản 511.

Ví dụ: Doanh nghiệp đăng ký chương trình mua 3 sản phẩm tặng 1 sản phẩm cùng loại, đơn giá 50.000 đồng/sản phẩm. Khi lập hóa đơn doanh nghiệp ghi bán 3 sản phẩm, đơn giá 50.000 đồng và khuyến mãi 1 sản phẩm, đơn giá 0 đồng. Như vậy tổng giá trị hóa đơn là 200.000 đồng, doanh nghiệp căn cứ hóa đơn để kê khai thuế GTGT, ghi nhận doanh thu vào tài khoản 511.

– Nếu không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì khi lập hóa đơn, giá trị của hàng khuyến mãi được xác định theo giá bán của sản phẩm cùng loại tại thời điểm khuyến mãi. Hóa đơn này chỉ có giá trị khai thuế GTGT chứ không được quy đổi doanh thu tính thuế, không làm căn cứ hạch toán vào tài khoản 511. Giá trị của hàng khuyến mãi này sẽ hạch toán ghi giảm giá vốn hàng bán (TK 632).

Ví dụ: Doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mãi (không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền) mua 3 sản phẩm tặng 1 sản phẩm cùng loại, đơn giá 50.000 đồng/sản phẩm. Khi lập hóa đơn doanh nghiệp ghi bán 3 sản phẩm, đơn giá 50.000 đồng và khuyến mãi 1 sản phẩm không thu tiền, đơn giá 50.000 đồng. Như vậy tổng giá trị hóa đơn là 200.000 đồng, doanh nghiệp căn cứ hóa đơn để kê khai thuế GTGT nhưng khi ghi nhận doanh thu thì chỉ ghi nhận doanh thu của 3 sản phẩm bán, còn 1 sản phẩm khuyến mãi thì ghi giảm giá vốn hàng bán.

*Trường hợp nhà phân phối thực hiện chương trình khuyến mãi theo ủy quyền của nhà cung cấp thì không cần đăng ký chương trình khuyến mãi với cơ quan có thẩm quyền nếu nhà cung cấp đã đăng ký trước đó. Hóa đơn thực hiện như trường hợp khuyến mãi do nhà cung cấp thực hiện. Tuy nhiên khi hạch toán thì giá trị hàng khuyến mãi sẽ được hạch toán nợ TK 154/có TK 156 vì bản chất là nhà phân phối đang thực hiện dịch vụ khuyến mãi do nhà cung cấp yêu cầu. Khi nhà cung cấp thanh toán lại giá trị hàng khuyến mãi cho nhà phân phối, nhà phân phối sẽ lập hóa đơn cho nhà cung cấp (vì bản chất là cung cấp dịch vụ) và kết chuyển tổng giá trị hàng khuyến mãi vào giá vốn hàng bán (nợ TK 632/có TK 154).

3) Hàng bán bị trả lại:
Hàng bán bị trả lại là sản phẩm, hàng hóa bị khách hàng trả lại do các nguyên nhân: Vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách.
– Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh, người mua phải xuất hóa đơn cho hàng hóa trả lại.
– Trường hợp người mua không kinh doanh trả lại hàng mua, người bán lập biên bản thu hồi hàng và hóa đơn liên giao cho khách hàng. Nếu giá trị hàng hóa trả lại ít hơn thì phải lập hóa đơn mới tương ứng với phần giá trị hàng hóa mà người mua nắm giữ.

4) Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu:
a) Phản ánh số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán thực tế phát sinh trong kỳ, ghi:

– Trường hợp sản phẩm, hàng hoá đã bán phải giảm giá, chiết khấu thương mại cho người mua thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, và doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi:
Nợ TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213)
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra được giảm)
Có các TK 111,112,131,…

– Trường hợp sản phẩm, hàng hoá đã bán phải giảm giá, chiết khấu thương mại cho người mua không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp thì khoản giảm giá hàng bán cho người mua, ghi:
Nợ TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213)
Có các TK 111, 112, 131,…

b) Kế toán hàng bán bị trả lại
– Khi doanh nghiệp nhận lại sản phẩm, hàng hóa bị trả lại, kế toán phản ánh giá vốn của hàng bán bị trả lại:

+ Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 155 – Thành phẩm
Nợ TK 156 – Hàng hóa
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

+ Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ, ghi:
Nợ TK 611 – Mua hàng (đối với hàng hóa)
Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất (đối với sản phẩm)
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

– Thanh toán với người mua hàng về số tiền của hàng bán bị trả lại:

+ Đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ và doanh nghiệp nộp thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, ghi:
Nợ TK 5212 – Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (33311) (thuế GTGT hàng bị trả lại)
Có các TK 111, 112, 131,…

+ Đối với sản phẩm, hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, số tiền thanh toán với người mua về hàng bán bị trả lại, ghi:
Nợ TK 5212 – Hàng bán bị trả lại
Có các TK 111, 112, 131,…

– Các chi phí phát sinh liên quan đến hàng bán bị trả lại (nếu có), ghi:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng
Có các TK 111, 112, 141, 334,…

c) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển tổng số giảm trừ doanh thu phát sinh trong kỳ sang tài khoản 511 – “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”, ghi:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu.

Tài liệu tham khảo:
– Thông tư 200/2014/TT-BTC
– Công văn 488/TCT-CS năm 2013

Nguồn: Danketoan.com
Previous PostNext Post

Leave a Reply