Để khuyến khích bán hàng thì nhiều doanh nghiêp thực hiện đưa các khoản hỗ trợ, thưởng doanh số cho đối tác của mình. Tuy nhiên, việc thưởng doanh số hay hỗ trợ này có được xuất trực tiếp vào hóa đơn GTGT khi người nộp thuế bán hàng không? VinaTas – Đại lý Thuế xin chia sẻ như sau:
1. Thưởng doanh số
Là một khoản tiền doanh nghiệp chi cho đại lý, nhà phân phối nếu họ đạt được doanh số đề ra.
Vì vậy, tại Công văn 488/TCT-CS năm 2013, Tổng Cục Thuế cho rằng các khoản thưởng doanh số được xem như khoản CKTM, do đó, doanh nghiệp thực hiện tương tự như các quy định về CKTM
“Công ty TNHH Panasonic Việt Nam từ năm 2006 đến năm 2010 có thực hiện thưởng doanh số năm theo một tỷ lệ chiết khấu giảm giá trên doanh số nếu các nhà phân phối đạt được chỉ tiêu doanh số nhất định. Căn cứ các quy định thì:
Đối với các khoản chiết khấu thương mại (chiết khấu, giảm giá dựa trên doanh số bán hàng đạt mức nhất định), Công ty đã thực hiện giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn GTGT thì Công ty được giảm trừ doanh thu khi tính thuế GTGT Công ty phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh việc giảm doanh thu và không thu được tiền thực tế đối với các khoản giảm giá này.”
Tuy nhiên, tại Công văn 6418/CT-TTHT năm 2014, Cục Thuế TP.HCM lại cho rằng nếu DN chi thưởng cho nhà phân phối khi đạt được doanh số thì chỉ cần lập chứng từ thanh toán, không cần lập hóa đơn.
“Trường hợp Công ty bán hàng hoá cho nhà phân phối có thực hiện chi thưởng bằng tiền cho các nhà phân phối khi mua đạt mức chỉ tiêu doanh số nhất định trong năm thì khi chi thưởng bằng tiền cho nhà phân phối Công ty lập chứng từ chi, nhà phân phối nhận tiền lập chứng từ thu, không phải lập hoá đơn xuất cho Công ty.”
Vậy phải làm như thế nào?
Theo chúng tôi, nên thực hiện theo quan điểm của công văn 488 vì:
- Phản ánh đúng bản chất
- Đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp vì nếu không xem là CKTM mà xem như thu nhập khác thì sẽ không được khấu trừ thuế GTGT và bên nhận thu nhập sẽ bị tính thuế ngay trong kỳ.
2. Hỗ trợ
Trường hợp doanh nghiệp có chi các khoản tiền hỗ trợ cho đại lý, nhà phân phối hoặc đối tác, nếu:
- Hỗ trợ không điều kiện: Không cần lập hóa đơn, chỉ cần chứng từ thanh toán
- Hỗ trợ có điều kiện: Phải lập hóa đơn.
Ví dụ:
- Bên A có hỗ trợ cho bên B một khoản tiền mà không yêu cầu bên B làm gì thì đây là hỗ trợ không điều kiện, 2 bên lập phiếu chi, phiếu thu hoặc chứng từ thanh toán phù hợp.
- Bên A có hỗ trợ cho bên C một khoản tiền với yêu cầu bên C phải trưng bày sản phẩm bên A ở những nơi dễ nhìn, như vậy bên C đang cung cấp dịch vụ trưng bày sản phẩm cho bên A nên khi nhận tiền, bên C phải xuất hóa đơn cho bên A
3. Công văn tham khảo
Công văn 6610/CT-TTHT ngày 06 tháng 7 năm 2018:
“Trường hợp Công ty theo trình bày có chi hỗ trợ bán hàng, chi thưởng cho Đại lý bán hàng của Công ty theo Thỏa thuận hỗ trợ bán hàng số 033/CVM-2017 thì Đại lý phải lập hóa đơn xuất giao cho Công ty, kê khai nộp thuế theo quy định đối với khoản hỗ trợ, thưởng nêu trên. Hóa đơn (đáp ứng điều kiện thanh toán qua ngân hàng), Thỏa thuận hỗ trợ bán hàng và các tài liệu có liên quan là căn cứ để Công ty tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.”
Công văn 5000/TCT-DNL, ngày 12 tháng 12 năm 2018:
“Căn cứ các quy định trên, trường hợp TMV có thỏa thuận chi bằng tiền cho các cơ sở kinh doanh là các Đại lý Toytota để các cơ sở kinh doanh này thực hiện các hoạt động marketing, quảng cáo hình ảnh thương hiệu cho TMV thì các cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn GTGT và thực hiện khai, nộp thuế GTGT theo quy định.
Các khoản chi của TMV bằng tiền cho các cơ sở kinh doanh theo hóa đơn nêu trên nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.”
Tổng hợp bởi VinaTas – Đại lý Thuế