Đối với các doanh nghiệp đơn thuần là thương mại hoặc là nhà phân phối cho các công ty thì nghiệp vụ Chiết khấu thương mại thường xuyên gặp phải. Và có rất nhiều kế toán không thể phân biệt được khi nào thì sẽ xác định là khi nào đó là chiết khấu thương mại, khi nào là không? Để giúp các bạn hiểu được chiết khấu thương mại là gì? Hạch toán và viết hóa đơn ra sao? VinaTas – Đại lý Thuế sẽ tổng hợp và chia sẻ tại bài viết dưới đây, các bạn cùng theo dõi nhé.
1. Định nghĩa:
Chiết khấu thương mại (CKTM) là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua với khối lượng lớn.
Chiết khấu thương mại có nhiều hình thức thực hiện cụ thể như sau
- Chiết khấu thương mại theo từng lần mua hàng (Giảm giá hàng bán ngay trong lần mua hàng đầu tiên)
- Chiết khấu thương mại sau nhiều lần mua hàng (Sau nhiều lần mua hàng mới đạt khối lượng hưởng chiết khấu).
- Chiết khấu thương mại theo kỳ, theo chương trình (Sau khi đã xuất hóa đơn bán hàng rồi mới tính toán chiết khấu được hưởng trong kỳ).
Mỗi hình thức chiết khấu đều có những quy định riêng và thực hiện xuất hóa đơn, kê khai thuế khác nhau.
2. Chiết khấu thương mại theo từng lần mua hàng
Đối với trường hợp chiết khấu thương mại theo từng lần mua hàng: Hàng hóa dịch vụ áp dụng chiết khấu thương mại cho khách hàng thì trên hóa đơn GTGT ghi giá đã bán là giá đã trừ chiết khấu thương mại cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.
=> Như vậy, trên hóa đơn là giá đã chiết khấu rồi nên khi hạch toán sẽ không thể hiện khoản chiết khấu thương mại.
Ví dụ 1: Công ty A mua 500 sản phẩm(sp) X với giá 100.000 đồng/sp từ công ty B và được hưởng 1 khoản CKTM là 10% trên giá bán theo chính sách của B. Như vậy, B sẽ lập hóa đơn GTGT cho A, trên đó ghi:
- Giá bán sau khi đã trừ chiết khấu 10% là 90.000 đồng/sp,
- Thuế GTGT = 500 x 90.000 x 10% = 4.500.000 đồng
- Tổng giá thanh toán = 500×90.000 + 4.500.000 = 49.500.000 đồng
Hạch toán:
Bên bán:
Nợ 111,112,131: Tổng số tiền thanh toán
Có 511: Giá trị hàng đã trừ chiết khấu
Có 3331: Thuế GTGT
Bên mua:
Nợ 156: Giá trị hàng đã trừ chiết khấu
Nợ 1331: Thuế GTGT
Có 111,112,331: Tổng số tiền thanh toán
Theo ví dụ 1, nghiệp vụ sẽ được hạch toán như sau:
Công ty B (bên bán)
Nợ 131A: 49.500.000
Có 511: 45.000.000
Có 3331: 4.500.000
Công ty A (bên mua)
Nợ 156: 45.000.000
Nợ 1331: 4.500.000
Có 331B: 49.500.000
3. Chiết khấu thương mại sau nhiều lần mua hàng
Đối với trường hợp CKTM sau nhiều lần mua hàng thì số tiền chiết khấu của hàng hóa dịch vụ đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn cuối cùng hoặc hóa đơn tiếp sau => Có thể xảy ra 2 trường hợp
- Nếu tiền chiết khấu nhỏ hơn số tiền trên hóa đơn cuối cùng => Trừ trực tiếp trên hóa đơn cuối cùng
- Nếu tiền chiết khấu lớn hơn số tiền trên hóa đơn cuối cùng => Trừ tương ứng với giá trị hóa đơn cuối cùng, phần còn lại trừ vào các hóa đơn tiếp sau. Nếu không còn lần mua tiếp sau: Thì lập một hóa đơn riêng cho phần CKTM này.
Ví dụ 2: Công ty A có chính sách nếu mua hàng đạt doanh số 50 triệu sẽ hưởng được hưởng chiết khấu 10%.
TH1: X mua 3 lần mới đạt doanh số quy định, giá trị lần mua cuối cùng là 11 triệu (gồm thuế GTGT), lớn hơn phần CKTM được hưởng là 5 triệu, nên khi A xuất hóa đơn cuối cùng cho X sẽ ghi thêm dòng chiết khấu thanh toán là 5 triệu đồng và tổng tiền mà X phải thanh toán cho A là 6 triệu đồng
TH2: Y mua 5 lần mới đạt doanh số quy định, giá trị lần mua cuối cùng là 3 triệu (gồm thuế GTGT), thấp hơn phần CKTM được hưởng, như vậy A sẽ:
- Xuất 1 hóa đơn GTGT có dòng chiết khấu thanh toán là 3 triệu, 2 triệu còn lại sẽ trừ vào các hóa đơn sau
- Xuất 2 hóa đơn:
- 1 hóa đơn ghi giá trị hàng bán có dòng CKTK tương ứng với giá trị hàng bán (đã gồm thuế) và 1 hóa đơn ghi phần CKTT còn lại.
- Hoặc 1 hóa đơn ghi nhận giá trị hàng bán, 1 hóa đơn ghi nhận toàn bộ phần CKTM mà Y được hưởng
⁂ Trường hợp này, CKTM được bên bán ghi nhận vào TK 521, bên mua ghi giảm giá trị hàng tồn kho hoặc ghi giảm giá vốn hàng bán
4. Chiết khấu thương mại theo kỳ, theo chương trình
- Trường hợp số tiền CKTM được xác lập sau khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh
- Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên mua và bên bán kê khai điều chỉnh doanh thu, GVHB, giá trị HTK, thuế GTGT tương ứng.
Lưu ý: Hóa đơn trong trường hợp này được lập tại thời điểm xác lập CKTM
Theo Kế toán
- Nếu hóa đơn này lập trước thời điểm nộp BCTC => khoản CTKM ghi vào TK 521 của năm báo cáo
- Nếu hóa đơn này lập sau thời điểm nộp BCTC => khoản CTKM ghi vào TK 521 của năm sau.
Theo Thuế
- Sau thời điểm kết thúc năm tài chính, dù hóa đơn được lập trước thời điểm nộp BCTC nhưng vẫn không được Thuế chấp nhận là doanh thu tình thuế năm báo cáo. Do đó, trên tờ khai thuế TNDN ghi vào chỉ tiêu B2 của năm báo cáo, sang năm sau điều chỉnh trên chỉ tiêu B10.
Tổng hợp bởi VinaTas – Đại lý Thuế
(Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy bài viết)