Trong những năm gần đây, số lượng các cuộc thanh/ kiểm tra về giá giao dịch liên kết có sự gia tăng rõ rệt, với các cách thức được áp dụng ngày một phức tạp.
Cơ quan thuế thường yêu cầu người nộp thuế giải trình về tính hợp lệ của các đối tượng so sánh được sử dụng trong các Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, khả năng được khấu trừ đối với phí dịch vụ nội bộ tập đoàn và các biến động về tỷ suất lợi nhuận trên cơ sở toàn công ty hoặc theo phân khúc kinh doanh qua các năm. Cơ quan thuế cũng đặc biệt chú ý đến các công ty ghi nhận tình trạng lỗ và thường yêu cầu các công ty này giải trình về tình hình hoạt động kinh doanh. Hầu hết các cuộc kiểm tra thuế chung hiện nay sẽ bao gồm việc xem xét sự tuân thủ về giao dịch liên kết của người nộp thuế.
Tại công văn 10039/BTC-TTr thì một phần nội dung có tập trung thanh tra về giá chuyển nhượng:
“Yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có dư địa thu lớn hoặc có rủi ro cao như: …các tập đoàn, tổng công ty, công ty có phát sinh số thu nộp thuế lớn; các doanh nghiệp quy mô lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra thuế; các doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, chia tách, sáp nhập; Các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá, kết quả hoạt động kinh doanh lỗ nhiều năm…
Tổng Cục thuế cũng có văn bản chỉ đạo số 4134/TCT-TTKT về việc rà soát, xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra giá chuyển nhượng năm 2023.
Mức giới hạn 30% trên lợi nhuận kế toán trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đối với việc tính vào chi phí được trừ của chi phí lãi vay
Theo Nghị định 132, mức giới hạn EBITDA đối với tổng chi phí lãi vay được trừ cho mục đích thuế tăng từ 20% lên 30%. Mức giới hạn này áp dụng đối với chi phí lãi vay thuần (cụ thể là sau khi trừ lãi cho vay và lãi tiền gửi).
Phần chi phí lãi vay không được trừ có thể được chuyển sang kỳ tính thuế trong năm năm tiếp theo. Thời gian chuyển lãi tiền vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lãi tiền vay không được trừ.
Một số hình thức khoản vay không áp dụng mức giới hạn này, bao gồm lãi suất đối với các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ, các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước.
Cục thuế TPHCM khuyến cáo một số sai phạm thường gặp trong GDLK
Để tối ưu hóa lợi nhuận, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng làm giảm số thuế TNDN phải nộp tại Việt Nam thông qua công cụ chuyển giá. Các doanh nghiệp này thưởng có các hành vi sau:
- Chuyển giá thông qua các yếu tố đầu vào: Cụ thể là tăng chi phí đầu vào quá cao so với giá thị trường thông qua góp vốn của bên nước ngoài là tài sản, máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ khi doanh nghiệp tự định giá cao hoặc giá nguyên liệu đầu vào cao làm cho giá vốn cao hơn giá bán dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp bị âm hoạc có lãi rất thấp. Ví dụ: Mua nguyên vật liệu cùng tập đoàn, nhập linh kiện các loại ô tô, máy tính, linh kiện điện tử để sản xuất bán trong nước…
- Chuyển giá thông qua các yếu tố đầu ra: Nghĩa là xác định giá bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho công ty mẹ thấp hơn giá thị trường. Ví dụ: giá gia công, các sản phẩm ngành may mặc, giày da, sản phẩm phần mềm, điện tử…
- Chuyển giá thông qua cung cấp dịch vụ, tiếp thị, quảng cáo, quản lý tư vấn, hỗ trợ… nhưng trên thực tế dịch vụ đó không phát sinh.
- Các chi phí công ty mẹ phân bổ cho công ty con, các khoản thanh toán hộ trong tập đoàn thường không minh bạch, không chứng minh được dịch vụ đã cung cấp.
- Chi trả các khoản về nhãn hiệu, bản quyền, chi phí huấn luyện, đào tạo không chứng minh được tính hợp lý.
- Trả lãi vay cho các bên liên kết cao hơn lãi suất của ngân hàng thương mại hoặc cho vay không lãi suất nhằm chuyển lãi về cho bên liên kết lỗ hay được ưu đãi thuế (miễn, giảm thuế, thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp thấp).
- Giao dịch với các công ty có thuế suất ưu đãi hoặc công ty có trụ sở đặt tại các “thiên đường thuế”.
Như vậy, nhằm quản lý và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các vấn đề về xác định giá GDLK, người nộp thuế cần phải soát xét lại tình hình tuân thủ các quy định về xác định giá GDLK trong việc kê khai và lập hồ sơ xác định giá GDLK, đánh giá rủi ro liên quan và chính sách giá trong nội bộ Tập đoàn nhằm chủ động chuẩn bị/lưu giữ đầy đủ các tài liệu chứng minh.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: