Để mở rộng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm tăng độ bao phủ của “lưới an sinh”, thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, theo tinh thần Nghị quyết số 28- NQ/TW năm 2018 về cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất bổ sung thêm 5 nhóm đối tượng mới.

Dự kiến thêm 3 triệu người có cơ hội tham gia

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 12/2022, cả nước mới có gần 17,49 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), chiếm khoảng 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi, vẫn còn gần 28,4 triệu người chưa tham gia (chiếm khoảng 62% lực lượng lao động trong độ tuổi). Tính chung giai đoạn 2016-2022, tốc độ tăng trưởng bình quân số người tham gia BHXH chỉ đạt 5%/năm.

Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BXHH đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Bên cạnh đó, căn cứ dữ liệu quản lý thuế tập trung của ngành Thuế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2018, tổng số cá nhân người Việt Nam phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công là 20,1 triệu người, nhưng số nộp BHXH chỉ có 12 triệu người, chiếm 59,7%.

Năm 2019, tổng số người có phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công là 20,6 triệu người, song số nộp BHXH cũng chỉ có 12,76 triệu người, chiếm 61,9%; năm 2020 có 21,4 triệu người có phát sinh thu nhập và số nộp BHXH chỉ có 13,4 triệu người, chiếm 62,6%.

Tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, 5 nhóm đối tượng được đề xuất bổ sung tham gia BHXH bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo dự kiến của Chính phủ, nếu 5 nhóm đối tượng này được bổ sung vào diện tham gia BHXH bắt buộc thì sẽ có thêm khoảng 3 triệu người được bao phủ bởi lưới an sinh.

Nghiên cứu mức đóng phù hợp với từng đối tượng

Theo ý kiến của Ban soạn thảo dự thảo Luật BHXH sửa đổi (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đề xuất trên nhằm tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của người lao động trong tương lai.

Việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ Luật Lao động 2019, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Tuy nhiên, cần nghiên cứu mức đóng cho phù hợp với khả năng thu nhập của từng đối tượng, cũng như chế độ hưởng phù hợp mức đóng và khả năng cân đối ngân sách của địa phương để đóng BHXH theo tỷ lệ quy định cho đơn vị sử dụng lao động.

Có ý kiến cũng cho rằng, thị trường lao động ở nước ta và xu hướng trên thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ tài chính, kinh tế chia sẻ công việc, làm xuất hiện nhóm người lao động mới (người vừa là người lao động vừa là chủ sử dụng lao động, lao động công nghệ, lao động tự do hoạt động trên môi trường mạng Internet… ). Vì vậy, có thể nghiên cứu bổ sung các đối tượng này tham gia BHXH (nếu có).

Ngoài ra, cần cân nhắc bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em và tăng cường các mức hưởng. Hiện nay, trợ cấp trẻ em là chế độ BHXH duy nhất mà nước ta chưa thực hiện nếu đối chiếu với Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Việc bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em có thể giúp người lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh con và nuôi con nhỏ, giúp giữ chân họ lại hệ thống BHXH thay vì hưởng BHXH một lần. Đồng thời, điều này cũng có ý nghĩa đối với cơ quan BHXH, như giúp mở rộng đối tượng tham gia; tăng nguồn thu vào Quỹ BHXH trong ngắn hạn và trung hạn.

Ngoài ra, để tiếp tục tăng diện bao phủ BHXH, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật BHXH sửa đổi nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt, để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng, cũng như khuyến khích lao động phi chính thức và lao động di cư tham gia BHXH.

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply