Tổng cục Thuế đã đưa ra những dấu hiệu rủi ro gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử từ công tác quản lý đăng ký thuế và đăng ký doanh nghiệp.

Theo Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), trong quá trình theo dõi công tác quản lý đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuế và những vụ việc do cơ quan Công an, cơ quan Thuế và các cơ quan khác phát hiện, xử lý thì thực tế hoạt động của các doanh nghiệp gian lận về hóa đơn thường có những dấu hiệu bất thường.

Cụ thể,  các doanh nghiệp thành lập không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ với mục đích bán hóa đơn nhằm trục lợi, chiếm đoạt tiền thuế, không có hoạt động mua bán hàng hóa dịch vụ thật (doanh nghiệp “ma”); bên mua hóa đơn của các doanh nghiệp “ma” hoặc cùng nhóm với doanh nghiệp bán hóa đơn được thành lập để tạo ra các hoạt động mua bán giả mạo, hợp thức hóa đầu ra, đầu vào, thanh toán qua ngân hàng (cũng là doanh nghiệp “ma” khác…).

Hoặc cũng có trường hợp người nộp thuế đang hoạt động nhưng mua hóa đơn của các doanh nghiệp “ma” để hợp thức hóa hàng hóa dịch vụ đã mua vào nhưng không có hóa đơn hoặc kê khai khống khấu trừ đầu vào, chi phí để giảm nghĩa vụ thuế phải nộp và các gian lận tài chính khác

Theo Vụ Kê khai và Kế toán thuế, những dấu hiệu rủi ro gian lận trọng hoá đơn điện tử cụ thể như sau:

Một là, giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Thủ tục đăng ký doanh nghiệp (bao gồm đăng ký mới và thay đổi thông tin) hiện nay rất đơn giản, thuận lợi. Theo đó, giấy tờ pháp lý của cá nhân đại diện pháp luật hoặc chủ sở hữu chỉ cần một trong ba loại là bản sao (không quy định phải công chứng, chứng thực) chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu.

Cùng với đó, khi thực hiện hồ sơ nộp điện tử, cá nhân không phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh, các giấy tờ pháp lý nộp kèm theo là bản scan. Hiện nay, hệ thống đăng kí kinh doanh chưa tự động kiểm soát dữ liệu nên xảy ra nhiều trường hợp có dấu hiệu sử dụng giấy tờ pháp lý của cá nhân không phù hợp khi đăng ký doanh nghiệp.

Đáng chú ý, các đối tượng có thể kê khai thông tin đăng ký doanh nghiệp không chính xác; cá nhân đăng ký nhiều doanh nghiệp, sau đó bỏ địa điểm kinh doanh để thành lập doanh nghiệp khác với mục đích mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp…

Hai là, doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

Các doanh nghiệp thành lập với mục đích gian lận về hóa đơn thường chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn khoảng hơn 1 năm đến 2 năm sau đó tạm ngừng hoặc dừng hoạt động nhưng không làm thủ tục với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế để tránh thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Khi cơ quan thuế đưa vào danh sách thanh tra, kiểm tra thì doanh nghiệp đã làm thủ tục tạm ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký.

Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong số các doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Cụ thể, lũy kế tính đến ngày 17/4/2023 là 384.801 doanh nghiệp. Trong đó, có doanh nghiệp vẫn còn nợ thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ khai thuế, có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thuế và các doanh nghiệp mua bán hóa đơn đều thuộc nhóm này.

Cá nhân khi tham gia thành lập doanh nghiệp mới, cá nhân quản lý doanh nghiệp mới thành lập đồng thời đã tham gia thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp hiện đã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, có vi phạm pháp luật về thuế nhưng chưa có chế tài kiểm soát, ngăn chặn.

Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định về thành lập doanh nghiệp rất thông thoáng để khuyến khích doanh nghiệp thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế và cho xã hội. Tuy nhiên, nhiều cá nhân chủ doanh nghiệp hoặc đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cổ đông góp vốn của doanh nghiệp vi phạm pháp luật, sau đó tiếp tục đăng ký hoặc tham gia thành lập các doanh nghiệp mới trong khi doanh nghiệp cũ của các cá nhân này đang vi phạm pháp luật về thuế (bỏ địa điểm kinh doanh, mua bán hóa đơn bất hợp pháp…), vi phạm pháp luật về đăng ký kinh doanh (giải thể chỉ nộp hồ sơ đến cơ quan thuế không nộp đến cơ quan đăng ký kinh doanh), nợ thuế lớn hoặc nợ thuế trong thời gian dài.

Hiện chưa có quy định để gắn trách nhiệm cá nhân này với các hậu quả kinh tế, trong đó có lĩnh vực thuế do các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh gây ra.

Ba là, người nộp thuế có thay đổi thông tin đăng ký thuế làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp nhiều lần kể từ khi thành lập

Để trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan Thuế và các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp thường xuyên chuyển địa điểm; cá nhân sinh sống ở địa bàn này hoặc có địa điểm kinh doanh ở địa bàn này nhưng trụ sở chính của doanh nghiệp ở các địa bàn khác nơi sinh sống, kinh doanh…

Địa điểm kinh doanh không có thật hoặc hợp đồng thuê nhà giả mạo để đăng ký địa điểm kinh doanh; cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế chưa có thông tin kiểm soát địa điểm kinh doanh có đúng địa chỉ đăng ký hay không.

Một thủ đoạn khác đó là thay đổi thông tin người đại diện pháp luật bằng hình thức “mua lại doanh nghiệp” đã thành lập nhưng không hoạt động trên thực tế hoặc hoạt động cầm chừng không hiệu quả để thực hiện các hành vi mua bán hóa đơn.

Bốn là, người nộp thuế đăng ký tạm ngừng, khôi phục tạm ngừng nhiều lần

Trên thực tế, hiện đã có nhiều doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng kinh doanh đã không chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế…

Đa số các doanh nghiệp không chấp hành này sau khi hết thời gian đăng ký tạm ngừng kinh doanh đều thực hiện bỏ địa chỉ kinh doanh mà không khai báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và thành lập doanh nghiệp mới tiếp tục vi phạm pháp luật.

Nguồn: Tổng Cục Thuế

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply