Một trong những băn khoăn mà dân kế toán thường gặp phải nhất chính là viết số tiền bằng chữ trên hóa đơn, cho dù Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về vấn đề này.
Quy tắc chung về viết số tiền trên hóa đơn
Theo Thông tư 26/2015/TT-BTC, chữ số ghi trên hóa đơn là các chữ số tự nhiên: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Người bán được lựa chọn một trong hai cách ghi:
– Sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.), nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị; hoặc
– Sử dụng dấu phân cách số tự nhiên là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị trên chứng từ kế toán;
Đồng thời, dòng tổng tiền thanh toán trên hóa đơn phải được ghi bằng chữ. Trường hợp chữ trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn.
Một số trường hợp đặc biệt cần lưu ý
Ngoài việc nắm vững nguyên tắc viết số tiền bằng chữ trên hóa đơn của Bộ Tài chính như nêu trên, trong thực tế, kế toán cần biết một số quy ước viết trong các trường hợp đặc biệt như:
– Chữ số tận cùng là số 1:
Trường hợp này có 2 cách viết “một” hoặc “mốt”
Viết là “một” nếu chữ số hàng chục nhỏ hơn hoặc bằng 1
Viết là “mốt” nếu chữ số hàng chục lớn hơn hoặc bằng 2.
– Chữ số tận cùng là số 4:
Trường hợp này có hai cách viết: “bốn” hoặc “tư”
Viết là “bốn” khi chữ số hàng chục nhỏ hơn hoặc bằng 1
Viết là “tư” khi chữ số hàng chục lớn hơn hoặc bằng 2.
– Chữ số tận cùng là số 5:
Trường hợp này, có hai viết là “lăm” và “năm”
Viết là “lăm” nếu chữ số hàng chục lớn hơn 0, nhỏ hoặc hoặc bằng 9
Viết là “năm” nếu chữ số hàng chục bằng 0 hoặc kết hợp với từ chỉ tên hàng là từ “mươi” phía sau.
Ngoài ra, trong thực tế, nhiều kế toán có thói quen khi viết số tiền bằng chữ có thêm chữ “y” hay “chẵn” để biểu đạt số tiền tròn. Việc này không cần thiết nhưng hóa đơn cũng vẫn được coi là hợp lệ.
Nguồn: LuatVietnam.vn