Những đối tượng thuộc diện mua hóa đơn của cơ quan thuế thì phải có hồ sơ đề nghị mua hóa đơn và gửi đến cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Dưới đây là hướng dẫn thủ tục mua hóa đơn của cơ quan thuế.
Đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế
Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 39/2014/TT-BTC đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế gồm:
1 – Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh (bao gồm cả hợp tác xã, nhà thầu nước ngoài, ban quản lý dự án).
Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh là các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.
2 – Hộ, cá nhân kinh doanh;
3 – Tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % nhân với doanh thu.
4 – Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế;
5 – Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Lưu ý:
– Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế và doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế mua hóa đơn của cơ quan thuế trong thời gian 12 tháng.
– Hết thời gian 12 tháng, căn cứ tình hình sử dụng hóa đơn, việc kê khai, nộp thuế và đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan thuế có văn bản thông báo doanh nghiệp chuyển sang tự tạo hóa đơn để sử dụng hoặc tiếp tục mua hóa đơn của cơ quan thuế nếu không đáp ứng điều kiện tự in hoặc đặt in hóa đơn.
Thủ tục mua hóa đơn của cơ quan thuế
Theo điều 12 Thông tư 39/2014/TT-BTC (hướng dẫn bởi Công văn 2010/TCT-TVQT) thủ tục mua hóa đơn của cơ quan thuế như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ mua hóa đơn
Mua hóa đơn lần đầu:
Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị mua hóa đơn theo Mẫu số 3.3;
– Văn bản cam kết về địa chỉ sản xuất, kinh doanh phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền (theo Mẫu số 3.16);
– Giấy ủy quyền và chứng minh nhân dân/căn cước công dân của người đi mua (nếu không phải là đại diện theo pháp luật);
Ngoài ra, doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế; doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế đang tự in, đặt in hóa đơn chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan thuế vẫn còn hóa đơn không tiếp tục sử dụng thì phải chuẩn bị thêm Bảng kê hóa đơn hết giá trị sử dụng.
Lưu ý: Từ lần thứ 2 trở đi, khi mua hóa đơn cơ quan thuế thì không cần văn bản cam kết về địa chỉ sản xuất, kinh doanh.
Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan thuế
– Nơi nộp: Cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
Bước 3. Nhận hóa đơn
– Khi đến mua hóa đơn, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh phải tự chịu trách nhiệm ghi hoặc đóng dấu: Tên, địa chỉ, mã số thuế trên liên 2 của mỗi số hóa đơn trước khi mang ra khỏi cơ quan thuế.
Lưu ý:
– Những hóa đơn mua tại cơ quan thuế thì đã được cơ quan thuế thông báo phát hành, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh không cần làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn.
– Khi mua hóa đơn thì chỉ phải trả tiền theo giá bán đã niêm yết không phải trả thêm bất kỳ chi phí khác.
– Khi mua hóa đơn của cơ quan thuế thì phải do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thực hiện việc bán hóa đơn.
Theo LuatVietnam.vn