Kể từ khi được ban hành vào tháng 2/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là một trong những quy định về thuế ảnh hưởng nhiều nhất cũng như gây ra nhiều vướng mắc nhất trong việc triển khai đối với các doanh nghiệp.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8  Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Đối với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch với các bên liên kết thì chi phí lãi vay tính vào chi phí được trừ không vượt quá 20% EBITDA

Với: EBITDA = LN thuần từ HĐKD + lãi vay + khấu hao

Vậy như thế nào là các bên liên kết?

Các bên có quan hệ liên kết là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

  • Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
  • Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

Cụ thể bao gốm 10 trường hợp sau:

1. Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia

VD: A nắm giữ 30% vốn cổ phần của B => A và B là các bên liên kết.

2. Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp

VD: A nắm giữ 30% vốn cổ phần của B, 40% vốn cổ phần của C => A, B và C là các bên liên kết

3. Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia.

VD: A nắm giữ 12% cổ phần là cổ đống lớn nhất của B thì A và B là các bên liên kết

4. Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay

VD: VCSH của A là 1 tỷ, A đi vay C thêm 300 triệu và từ trước đến nay chỉ vay mỗi C. Khoản vay này được B bảo lãnh. Như vậy, khoản vay này chiếm 30% VCSH và chiếm 100% tổng nợ của A nên A và B là các bên liên kết

5. Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai

VD: Ban lãnh đạo điều hành của A có 10 người trong đó có 6 người được B chỉ định thì A và B là các bên liên kết

6. Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba

VD: A chỉ định Tổng Giám đốc – người có quyền quyết định các hoạt động kinh doanh cho B và C thì A, B và C là các bên liên kết

7. Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, ông nội, bà nội, cháu nội, ông ngoại, bà ngoại, cháu ngoại, cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;

VD: Ông A là giám đốc công ty X, bà B – vợ ông A là giám đốc công ty Y thì X và Y là các bên liên kết

8. Một hoặc nhiều doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp

VD: Ông A là giám đốc công ty X, cũng là giám đốc công ty Y thì X và Y là các bên liên kết

9. Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài

10. Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia.

Một số công văn tham khảo:

Công văn số 3790/TCT-DNL năm 2018:

“Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Quy định này không áp dụng đối với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm.

Tổng mức chi phí lãi vay của người nộp thuế được trừ theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20 được tính trên tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ, không phân biệt lãi vay phát sinh với bên liên kết hay bên độc lập.”

Công văn 1990/CT-TTHT năm 2018:

“Trường hợp Công ty CP Robinson Department Store (Việt Nam) có phát sinh giao dịch liên kết thì Công ty xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Trong đó chi phí lãi vay xác định theo nguyên tắc nêu trên là tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của Công ty (không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ các bên liên kết hay từ các bên độc lập).”

Như vậy, chỉ cần các bên liên kết kể trên có phát sinh giao dịch với nhau thì chi phí lãi vay đều bị khống chế tối đa 20% EBITDA, không phân biệt lãi vay này có phát sinh với bên liên kết hay không.

Ví dụ: A và B là bên liên kết và có phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa. Như vậy, nếu A vay ngân hàng thì tổng chi phí lãi vay được đưa vào chi phí được trừ sẽ bị giới hạn tối đa là 20% EBITDA dù A và B không phát sinh giao dịch vay và cho vay lẫn nhau.

Tổng hợp bởi VinaTas – Đại lý Thuế

(Vui lòng ghi nguồn khi copy bài viết)

Previous PostNext Post

Leave a Reply