Cũng giống như những người lao động khác, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản thu nhập của người lao động nước ngoài đều phải chịu thuế TNCN. Dưới đây là các khoản thu nhập của người lao động nước ngoài mà không chịu thuế TNCN.
1. Phần chi trang phục bằng hiện vật; phần chi trang phục bằng tiền không vượt quá 5 triệu đồng/ năm do người sử dụng lao động chi trả.
2. Khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại do người sử dụng lao động chi trả theo quy chế của đơn vị.
3. Trợ cấp một lần cho việc chuyển vùng từ nước ngoài đến Việt Nam đối với nhân viên nước ngoài đến Việt Nam làm việc
4. Lợi ích bằng hiện vật được sử dụng chung cho tập thể người lao động (ví dụ: phí hội viên, chi phí vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe)
5. Khoản tiền người sử dụng lao động trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho NLĐ phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị.
6. Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động
7. Khoản chi hiếu hỷ, phúc lợi cho NLĐ không quá 1 tháng lương bình quân.
8. Khoản tiền khoán văn phòng phẩm, cước điện thoại, công tác phí phục vụ cho công việc
9. Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam về phép mỗi năm một lần.
Căn cứ xác định:
- Hợp đồng lao động
- Khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia người nước ngoài mang quốc tịch và ngược lại
10. Các khoản thanh toán mà người sử dụng lao động trả để phục vụ việc điều động, luân chuyển người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại HĐLĐ, tuân thủ lịch lao động chuẩn theo thông lệ quốc tế của một số ngành như dầu khí, khai khoáng.
Căn cứ xác định:
- Hợp đồng lao động
- Khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia nơi người nước ngoài cư trú và ngược lại.
Ví dụ 3: Ông X là người nước ngoài được nhà thầu dầu khí Y điều chuyển đến làm việc tại giàn khoan trên thềm lục địa Việt Nam. Theo quy định tại HĐLĐ, chu kỳ làm việc của ông X tại giàn khoan là 28 ngày liên tục, sau đó được nghỉ 28 ngày. Nhà thầu Y thanh toán cho ông X các khoản tiền vé máy bay từ nước ngoài đến Việt Nam và ngược lại mỗi lần đổi ca, chi phí cung cấp trực thăng đưa đón ông X chặng từ đất liền Việt Nam ra giàn khoan và ngược lại, chi phí lưu trú trong trường hợp ông X chờ chuyến bay trực thăng đưa ra giàn khoan làm việc thì không tính các khoản tiền này vào thu nhập chịu thuế TNCN của ông X.
11. Trường hợp người sử dụng lao động mua cho NLĐ sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của NLĐ.
Tổng hợp bởi VinaTas – Đại lý Thuế