Khi nộp thuế thu nhập cá nhân, người nộp thuế sẽ được giảm trừ gia cảnh vào thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên đối với người lao động là người nước ngoài thì có được tính giảm trừ gia cảnh hay không, cùng giải đáp thắc mắc tại bài viết sau nhé!

Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú.

=> Như vậy giảm trừ gia cảnh chỉ áp dụng đối với cá nhân cư trú.

1. Vậy thế nào là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú?

Căn cứ vào khoản 1, điều 1, Thông tư 111/2013/TT-BTC

Cá nhân cư trú: Là cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện sau:

– Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

– Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:

+  Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú,

+ Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế.

Cá nhân không cư trú: Là cá nhân không đáp ứng các điều kiện nêu trên

2. Mức giảm trừ gia cảnh

  • Giảm trừ bản thân: 9 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm.
  • Giảm trừ cho người phụ thuộc: 3,6 triệu đồng/tháng/người.

3. Nguyên tắc giảm trừ

  • Giảm trừ bản thân

Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).

Ví dụ 1: Ông E là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc liên tục từ ngày 01/3/2014 đến ngày 15/11/2014 thì kết thúc Hợp đồng và về nước. Từ ngày 01/3/2014 đến khi về nước ông E có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày. Như vậy, năm 2014, ông E là cá nhân cư trú và được giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 đến hết tháng 11 năm 2014.

Ví dụ 2: Bà G là người nước ngoài đến Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 21/9/2013. Ngày 15/6/2014, Bà G kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ ngày 21/9/2013 đến ngày 15/6/2014 Bà G có mặt tại Việt Nam 187 ngày. Như vậy trong năm tính thuế đầu tiên (từ ngày 21/9/2013 đến ngày 20/9/2014), Bà G được xác định là cá nhân cư trú của Việt Nam và được giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 9/2013 đến hết tháng 6/2014

  • Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (NPT)

– Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho NPT nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp MST.

– Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho NPT sẽ được cơ quan thuế cấp MST cho NPT và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký.

– Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho NPT trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho NPT kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho NPT.

– Mỗi NPT chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

Lưu ý:

– Cá nhân cư trú là người nước ngoài, nếu không có hồ sơ chứng minh NPT theo hướng dẫn đối với từng trường hợp cụ thể tại Điều 9, Thông tư 111/2013/TT-BTC thì phải có các tài liệu pháp lý tương tự để làm căn cứ chứng minh NPT.

– Theo Điểm c Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC:  Trường hợp người nước ngoài là cá nhân cư trú nghỉ sinh con 6 tháng có thực hiện ủy quyền quyết toán thuế TNCN thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thuế TNCN thay cho cá nhân tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân và tính giảm trừ gia cảnh cho NPT kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Tổng hợp bởi VinaTas – Đại lý Thuế

Previous PostNext Post

Leave a Reply