Trường hợp doanh nghiệp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp phải lập hóa đơn để giao cho người mua bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu, tặng, hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa theo Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:
Tại Khoản 1 Điều 4 quy định nguyên tắc lập hóa đơn:
“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này…”.
Tại Khoản 4 Điều 9 quy định thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như sau:
“4. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như sau:
… 2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: Kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng)…”.
Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT:
“Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào
- Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất…”.
Căn cứ Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính), như sau:
“10. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:
“Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào
- Có hóa đơn GTGT hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
- Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này…”.
Hợp đồng có điều kiện hoàn trả hàng hóa, xuất hóa đơn thế nào?
Công ty ông Nguyễn Minh Hòa ký hợp đồng mua bán kỳ nghỉ, khách hàng được hưởng quyền lợi như sau: Khách hàng được sử dụng 7 đêm nghỉ dưỡng tại khách sạn mà công ty ông quy định, thời hạn hợp đồng là 11 năm, thu tiền theo tiến độ hợp đồng. Công ty sẽ tiến hành hoàn trả 100% giá trị hợp đồng cho khách hàng khi kết thúc thời hạn hợp đồng.
Ông Hòa hỏi, khi ký hợp đồng mua bán kèm theo điều kiện hoàn trả 100% giá trị hợp đồng, công ty có phải xuất hóa đơn trên số tiền thu được hay không? Trường hợp công ty phải xuất hóa đơn thì tại thời điểm hoàn trả tiền cho khách hàng phải làm như thế nào?
Theo điều khoản hợp đồng, khách hàng sẽ được hưởng quyền nghỉ dưỡng là 7 đêm nghỉ. Đối với chi phí 7 đêm nghỉ này (phía bên nhà cung cấp dịch vụ lưu trú sẽ xuất hóa đơn đầu vào cho công ty). Vậy, thuế giá trị gia tăng (GTGT) của dịch vụ này có được khấu trừ không? Công ty có phải xuất hóa đơn đầu ra cho khách hàng nghỉ 7 đêm này không?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ các quy định trên, trường hợp công ty ông khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, công ty ông phải lập hóa đơn để giao cho người mua bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu, tặng, hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền, trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Trường hợp công ty ông có phát sinh thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ nếu đáp ứng quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC.