Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định, về cơ bản, các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung một số điểm để phù hợp với Luật Quản lý thuế 2019, tuy nhiên, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm thủ tục thuế được điều chỉnh tăng cao hơn trước.
Nghị định 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 05/12/2020.
Vậy đối với các hành vi vi phạm từ trước thời điểm này doanh nghiệp sẽ phải chịu mức phạt theo văn bản nào? Các bạn hãy tham khảo tình huống sau đây được đăng tải trên trang web của Bộ Tài Chính ngày 01/08/2023.
Tình huống:
Công ty tôi nộp Báo cáo tài chính, Quyết toán thu nhập doanh nghiệp năm 2018 đúng hạn, Đến tháng 9/2021 công ty tôi có kiểm tra lại hồ sơ và phát hiện báo cáo tài chính và quyết toán thu nhập doanh nghiệp nộp sai, chúng tôi đã kê khai và nộp lại vào tháng 9/2021, Đến tháng 10/2021 công ty chúng tôi tiếp đoàn thanh tra thuế, khi đoàn thanh tra kiểm tra phát hiện báo cáo tài chính và tờ khai Quyết toán thu nhập doanh nghiệp chúng tôi nộp không khớp nhau, ( lí do không khớp là do kế toán kê khai số liệu trên tờ khai quyết toán thu nhập doanh nghiệp theo số liệu lần đầu dẫn đến chênh lệch doanh thu và chi phí trên tờ khai quyết toán bổ sung so với báo cáo tài chính) Vậy Doanh nghiệp muốn hỏi trường hợp kế toán kê khai nhầm số liệu như vậy thì mức phạt kê khai sai chúng tôi phải chịu theo mức phạt của nghị định 125/2020/NĐ-CP hay nghị định 129/2013/NĐ-CP. Vì Được biết nghị định 125 có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.
Trả lời:
Trích dẫn quy định:
– Căn cứ Điều 152 và Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015:
“Điều 152. Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật
2. Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:
a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;
b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.”
“Điều 156. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.”
– Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ:
“Điều 2. Thời hiệu, thời hạn xử phạt vi phạm hành chính về thuế
1. Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, thời hiệu xử phạt là 02 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện đến ngày ra quyết định xử phạt. Ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của Luật quản lý thuế. Đối với trường hợp làm thủ tục về thuế bằng điện tử thì ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn làm thủ tục theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.”
– Căn cứ Nghị định số 215/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn:
+ Tại Điều 8 quy định về thời hiệu xử phạt hành chính thuế:
“2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế
a) Thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế là 02 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.
Ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thủ tục thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, trừ các trường hợp sau đây:
Đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm a, b khoản 2, khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 10; khoản 1, 2, 3, 4 và điểm a khoản 5 Điều 11; khoản 1, 2, 3 và điểm a, b khoản 4, khoản 5 Điều 13 Nghị định này, ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế hoặc thông báo với cơ quan thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế.
Đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 4 Điều 10; điểm b khoản 5 Điều 11; điểm c, d khoản 4 Điều 13 Nghị định này, ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
b) Thời hiệu xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.
Ngày thực hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm hoàn hoặc hành vi trốn thuế (trừ hành vi tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định này) là ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế mà người nộp thuế thực hiện khai thiếu thuế, trốn thuế hoặc ngày tiếp theo ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế.
Đối với hành vi không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định này, ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm. Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định này thì ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế.”
+ Tại Điều 44 quy định về hiệu lực thi hành:
“1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 12 năm 2020.
2. Người nộp thuế áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022 nếu vi phạm quy định về hóa đơn điện tử thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này.
3. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, quy định tại các Nghị định, Thông tư sau đây hết hiệu lực thi hành:
a) Chương I và Chương III Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;”
+ Tại Điều 45 quy định về điều khoản chuyển tiếp:
“1. Áp dụng quy định tại Chương XV Luật số 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019; Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP đối với hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn xảy ra từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực.
Trường hợp hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng hành vi vi phạm đó kết thúc kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm đó.
2. Các quy định về xử phạt tại Chương I, II, III Nghị định này, quy định về hoãn, miễn thi hành quyết định xử phạt có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được áp dụng đối với hành vi xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết.
3. Đối với các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã bị xử phạt trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà cá nhân, tổ chức còn khiếu nại, khởi kiện thì được giải quyết theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn và các quy định pháp luật liên quan có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm.”
– Tham khảo nội dung hướng dẫn tại công văn số 761/TCT-PC ngày 22/03/2021 của Tổng cục Thuế về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Căn cứ quy định nêu trên, Cục thuế TP Hà Nội hướng dẫn Độc giả như sau:
Trường hợp từ ngày 05/12/2020 (thời điểm Nghị định số 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có hạn nộp trước ngày 05/12/2020 mà theo Nghị định số 129/2013/NĐ-CP đã xác định được thời điểm thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì áp dụng văn bản tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP để xử lý. Trường hợp mức xử phạt tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP nhẹ hơn mức xử phạt đối với cùng một hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP thì áp dụng quy định Nghị định số 125/2020/NĐ-CP để xử lý theo quy định.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: