Để thành lập công ty thì cá nhân, tổ chức đều phải góp vốn. Định giá tài sản góp vốn sai giá trị thì phải xử lý hậu quả như thế nào? Trường hợp cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thì bị phạt bao nhiêu?

  1. Tài sản nào phải được định giá khi góp vốn?

Tài sản góp vốn gồm những loại nào?

Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam (theo khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14).

Khoản 18 Điều 4 Luật này định nghĩa:

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập

Theo đó, chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp/có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản nêu trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn.

Như vậy, tài sản góp vốn gồm: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng thì phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

  1. Định giá tài sản góp vốn sai giá trị, xử lý hậu quá như thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn (so với) giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì phải xử lý như sau:

(i) Đối với tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp:

– Các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá;

– Đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

(ii) Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động:

– Người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá;

– Đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

  1. Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị, bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ điểm khoản 3 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, công ty có hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm này là cá nhân thì mức phạt tiền được áp dụng bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm nêu trên (căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).

Điều 46. Vi phạm về thành lập doanh nghiệp – Nghị định 122/2021/NĐ-CP

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo số lượng thành viên, cổ đông theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp tại tổ chức kinh tế khác không đúng hình thức theo quy định của pháp luật;

b) Không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;

b) Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;

b) Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.

5. Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thay đổi thành viên góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

c) Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply