Chia và tách doanh nghiệp đều là những hình thức tổ chức lại doanh nghiệp với nhiều điểm chung những cũng tồn tại một số điểm khác biệt nhất định. Cùng tham khảo bài viết sau đây để tránh bị nhầm lẫn chia và tách doanh nghiệp với nhau.
- Chia và tách doanh nghiệp là gì?
Chia doanh nghiệp hay chính xác là chia công ty được hiểu là việc công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (công ty bị chia) để thành lập 02/nhiều công ty mới (theo khoản 1 Điều 198 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Còn tách doanh nghiệp (tách công ty) là việc công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (công ty bị tách) để thành lập 01/một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (công ty được tách) nhưng công ty bị tách vẫn tồn tại.
Qua đây, có thể thấy, hoạt động chia, tách doanh nghiệp chỉ áp dụng với các loại hình công ty chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.
- Điểm giống nhau giữa chia và tách doanh nghiệp
– Đều là những hình thức tổ chức lại doanh nghiệp;
– Đối tượng chia, tách doanh nghiệp là loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Và các công ty mới sau khi bị chia, tách sẽ cùng loại hình với công ty trước đó;
– Sau khi chia, tách, các công ty mới phải liên đới vẫn phải có trách nhiệm với công ty trước đó. Các khoản nợ, hợp đồng lao động, nghĩa vụ tài chính đều cùng chịu trách nhiệm chung;
– Thủ tục chia, tách doanh nghiệp đều tương tự như nhau, hồ sơ nộp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, cụ thể:
+ Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị chia thông qua nghị quyết, quyết định chia công ty theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty;
+ Thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty mới được thành lập thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật này;
+ Sau khi thực hiện xong thủ tục, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập đặt trụ sở chính gửi thông tin cho Cơ quan thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông tin cho Phòng đăng ký kinh doanh về việc doanh nghiệp đã hoàn thành việc quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế.
- Phân biệt chia và tách doanh nghiệp
Các tiêu chí | Chia doanh nghiệp
(Điều 198 Luật Doanh nghiệp 2020) |
Tách doanh nghiệp
(Điều 199 Luật Doanh nghiệp 2020) |
Khái niệm | Chia doanh nghiệp là trường hợp doanh nghiệp có thể chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới | Tách doanh nghiệp là trường hợp doanh nghiệp chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có để thành lập một hoặc một số công ty mới mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách |
Trách nhiệm đối với các khoản nợ | Công ty cũ không còn hoạt động. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện nghĩa vụ này. | Công ty cũ bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty được tách, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác. |
Hệ quả | Công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. | Một hoặc công ty mới được thành lập nhưng công ty bị chia không chấm dứt tồn tại. |
Kết luận: Căn cứ vào những quy định trên, có thể khẳng định, điểm khác biệt cơ bản giữa chia và tách doanh nghiệp như sau:
– Khi chia doanh nghiệp, doanh nghiệp bị chia không còn tồn tại, khác với khi tách doanh nghiệp, doanh nghiệp bị tách vẫn còn tồn tại.
– Khi chia doanh nghiệp, doanh nghiệp mới có thể lựa chọn bất kỳ loại hình công ty nào nhưng khi tách doanh nghiệp, các công ty mới chỉ có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: