Chắc hẳn thuật ngữ báo cáo tài chính không còn xa lạ với nhiều người nhưng không phải ai cũng biết báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ. Hãy cùng tìm hiểu về nội dung này thông qua bài viết sau.

  1. Báo cáo tài chính doanh nghiệp là gì?

Báo cáo tài chính doanh nghiệp được hiểu là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của doanh nghiệp được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán (theo khoản 1 Điều 3 Luật Kế toán số 88/2015/QH13).

Báo cáo tài chính doanh nghiệp được dùng để tổng hợp và cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh và kết quả hoạt động của doanh nghiệp phục vụ yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước…

Theo khoản 1 Điều 29 Luật Kế toán 2015, báo cáo tài chính bao gồm:

  • Báo cáo tình hình tài chính;
  • Báo cáo kết quả hoạt động;
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
  • Thuyết minh báo cáo tài chính;
  • Báo cáo khác theo quy định của pháp luật.
  1. Báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ là gì?

Báo cáo tài chính hợp nhất là tổng hợp tình hình tài chính, kinh doanh của một tập đoàn gồm nhiều công ty chịu sự kiểm soát của một công ty mẹ (theo chuẩn mực kế toán số 25 được ban hành tại Quyết định 234/2003/QĐ-BTC).

Theo đó, báo cáo này được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo của công ty mẹ và các công ty con.

Còn báo cáo tài chính riêng lẻ là hệ thống thông tin thể hiện tình hình tài chính, kinh doanh của riêng công ty mẹ.

Trong đó,

– Kiểm soát: Là quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động đó.

– Công ty mẹ: Là công ty thuộc một trong các trường hợp sau theo khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;

Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

– Công ty con: Là doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của công ty mẹ, thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

– Tập đoàn: Gồm công ty mẹ và các công ty con.

  1. Trình tự hợp nhất báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính của công ty mẹ và các công ty con sẽ được hợp nhất theo từng khoản mục bằng cách cộng các khoản tương đương của tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, doanh thu, thu nhập khác và chi phí.

Để báo cáo tài chính hợp nhất cung cấp được đầy đủ các thông tin tài chính về toàn bộ tập đoàn như đối với một doanh nghiệp độc lập, cần tiến hành những bước sau:

– Giá trị ghi sổ khoản đầu tư của công ty mẹ trong từng công ty con và phần vốn của công ty mẹ trong vốn chủ sở hữu của công ty con phải được loại trừ (quy định tại chuẩn mực kế toán “Hợp nhất kinh doanh”, chuẩn mực này cũng quy định phương pháp kế toán khoản lợi thế thương mại phát sinh);

– Lợi ích của cổ đông thiểu số trong thu nhập thuần của công ty con bị hợp nhất trong kỳ báo cáo được xác định và loại trừ ra khỏi thu nhập của tập đoàn để tính lãi, hoặc lỗ thuần có thể được xác định cho những đối tượng sở hữu công ty mẹ;

– Lợi ích của cổ đông thiểu số trong tài sản thuần của công ty con bị hợp nhất được xác định và trình bày trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất thành một chỉ tiêu riêng biệt tách khỏi phần nợ phải trả và phần vốn chủ sở hữu của cổ đông của công ty mẹ. Lợi ích của cổ đông thiểu số trong tài sản thuần bao gồm:

– Giá trị các lợi ích của cổ đông thiểu số tại ngày hợp nhất kinh doanh ban đầu được xác định phù hợp với chuẩn mực kế toán “Hợp nhất kinh doanh”; và

– Phần lợi ích của cổ đông thiểu số trong sự biến động của tổng vốn chủ sở hữu kể từ ngày hợp nhất kinh doanh.

  1. Phân biệt báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ

Khác biệt lớn nhất giữa hai loại báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất nằm ở một số chỉ số chỉ có ở báo cáo tài chính hợp nhất như:

Lợi thế thương mại ở phần tài sản;

Lợi ích của cổ đông thiểu số ở phần nguồn vốn;

Lợi nhuận thuộc cổ đông không kiểm soát ở kết quả kinh doanh.

Các chỉ số trên là kết quả của quá trình hợp nhất báo cáo tài chính của các công ty con. Cụ thể:

– Nếu tất cả các công ty con đều được hợp nhất thì chỉ tiêu “đầu tư vào công ty con” không còn số tiền trên báo cáo tài chính hợp nhất.

– Nếu các công ty con được hợp nhất mà ở đó công ty mẹ nắm giữ < 100% vốn thì trên báo cáo tài chính hợp nhất chỉ tiêu “Lợi ích của cổ đông thiểu số” trên Bảng cân đối kế toán và chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số” trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất có một số tiền nhất định.

– Trên bảng cân đối kế toán riêng không có chỉ tiêu “Lợi thế thương mại” trong khi trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất xuất hiện chỉ tiêu “Lợi thế thương mại”.

Lợi thế thương mại là phần chênh lệch của giá phí hợp nhất so với phần sở hữu của bên mua trong giá trị hợp lý thuần của tài sản, nợ phải trả có thể xác định được và các khoản nợ tiềm tàng đã ghi nhận theo quy định.

– Nếu giá phí hợp nhất lớn hơn so với phần sở hữu của bên mua trong giá trị hợp lý thuần của tài sản, nợ phải trả được xác định tại ngày mua, thì chỉ tiêu “lợi thế thương mại” trên bảng cân đối kế toán hợp nhất có một số tiền nhất định.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply