Theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, từ ngày 01/7/2022, cơ quan, tổ chức, cá nhân bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử.
Bắt buộc sử dụng hoá đơn điện tử
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gồm 17 chương 152 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 151 (Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực từ ngày 1/7/2022).
Luật cũng quy định về việc khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực trước ngày 01/7/2022.
Trong đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán và các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hoá, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh…
Tiết kiệm chi phí và thời gian
Việc quy định cụ thể về việc áp dụng hóa đơn điện tử trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc áp dụng hóa đơn điện tử trên diện rộng; góp phần giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian và hạn chế sai sót.
Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, việc đưa quy định về hóa đơn điện tử vào Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có ý nghĩa tích cực, giúp tăng cường tính minh bạch; giúp cơ quan thuế theo dõi được các hoạt động kinh tế; giảm rủi ro của các giao dịch không chính thức.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Quang Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đống Đa (Hà Nội) nhận định, quy định áp dụng hóa đơn điện tử là giải pháp hữu hiệu để cải cách chế độ hóa đơn, chứng từ, đẩy nhanh tốc độ phủ sóng hóa đơn điện tử, giảm thiểu tối đa các hành vi gian lận thuế, tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Cho rằng việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ đem lại hiệu quả ngay lập tức, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần MISA dẫn chứng, tổng chi phí sử dụng hóa đơn giấy trung bình là 15.000 đồng gồm phí chuyển phát nhanh, thêm chi phí viễn thông, lưu kho, thất lạc. Nhưng khi chuyển sang hóa đơn điện tử, doanh nghiệp chỉ tốn 500 đồng.
“Nếu mỗi doanh nghiệp loại nhỏ dùng 1.000 hóa đơn điện tử một năm, trong khi Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nền kinh tế có thể tiết kiệm khoảng 10.000 tỷ đồng. Không chỉ giảm chi phí, hóa đơn điện tử còn rút ngắn thời gian làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, giảm gánh nặng công việc cho bộ phận kế toán và rủi ro, sai sót cũng xuống thấp.”- ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Tài chính