Hiện nay, có nhiều trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ, tài sản … của cá nhân không có hóa đơn đầu vào thì phải làm sao mới được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp?

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

“2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:

– Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;

– Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;

– Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;

– Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;

– Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;

– Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).”

Đây là những trường hợp khi mua hàng hóa, dịch vụ mà không cần có hóa đơn. Tuy nhiên, nếu muốn đưa chúng vào chi phí hợp lý được trừ thì doanh nghiệp cần phải thực hiện như sau:

Trường hợp 1: Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ không kinh doanh

Đối với trường hợp này, nếu doanh nghiệp mua hàng của người dân sản xuất, đánh bắt … hay mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra thì không cần phân biệt có mức doanh thu là trên hay dưới 100 triệu/năm; doanh nghiệp chỉ cần nộp đầy đủ bộ hồ sơ gồm các chứng từ sau:

– Hợp đồng mua bán hàng hóa;

– Chứng từ thanh toán (phiếu chi: nếu thanh toán bằng tiền mặt hoặc chứng từ thanh toán qua ngân hàng: nếu thanh toán bằng chuyển khoản).

Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào (Mẫu số 01/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 78/2014/TT-BTC).

– Biên bản bàn giao hàng hóa (nếu có);

Trường hợp 2: Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh

Đối với trường hợp này, nếu doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) mà không có hóa đơn đầu vào thì muốn được tính vào chi phí được trừ phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm (dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng);

– Có đầy đủ hồ sơ gồm các chứng từ như đối với trường hợp 1 (nêu trên).

Lưu ý:

– Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực.

– Các khoản chi phí được trừ trong trường hợp này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

– Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Nguồn: Pháp lý khởi nghiệp

 

Previous PostNext Post

Leave a Reply