Giao dịch liên kết là giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết của doanh nghiệp khi: Mua, bán, vay, cho vay, trao đổi, đi thuê, cho thuê, đi mượn, cho mượn, chuyển giao, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính…
Tình huống:
Công ty A liên kết với công ty B và cả hai đang hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với các sản phẩm sản xuất ra.
Hai công ty có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng. Hai công ty đều kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo mẫu số 1 của phụ lục và được miễn lập hồ sơ.
Công ty A mua nguyên vật liệu tại thị trường Việt Nam theo giá phổ biến tại thị trường tự do. Do không sử dụng hết nên công ty bán lại nguyên vật liệu đó cho công ty B theo đúng giá đã mua vào (không thể bán cao hơn, vì công ty A mua về mục đích sử dụng, không kinh doanh thương mại nên không có mục đích mua đi bán lại).
Hoạt động mua hay bán hàng nguyên vật liệu này công ty A và công ty B đều không được hưởng ưu đãi về thuế nhưng cơ quan thuế yêu cầu công ty A khi bán phải có ít nhất 5% lợi nhuận trên doanh thu bán nguyên liệu này.
Công ty A đề nghị cơ quan hướng dẫn công ty cách giải quyết.
Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Căn cứ Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
– Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh:
“2. Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá”.
– Điều 5 quy định về các bên có quan hệ liên kết:
“1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:
a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
2. Các bên liên kết tại khoản 1 điều này được quy định cụ thể như sau:…”.
– Tại Chương II quy định về phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập và các phương pháp xác định giá giao dịch. Trong đó, tại Điều 12 quy định lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết:
“Điều 12. Lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết
Phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết (viết tắt là phương pháp xác định giá giao dịch liên kết) được áp dụng phù hợp nguyên tắc giao dịch độc lập, bản chất giao dịch và chức năng của người nộp thuế trên cơ sở tính toán, áp dụng thống nhất trong toàn bộ chu kỳ, giai đoạn sản xuất kinh doanh; căn cứ dữ liệu tài chính của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn theo các nguyên tắc phân tích, so sánh quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định này. Phương pháp xác định giá giao dịch liên kết được lựa chọn trong các phương pháp quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15 Nghị định này, căn cứ vào đặc điểm của giao dịch liên kết và căn cứ vào thông tin dữ liệu sẵn có”.
– Tại Điều 18 quy định quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết:
“1. Người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này có các quyền theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019.
2. Người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này có trách nhiệm kê khai, xác định giá giao dịch liên kết, không làm giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này.
Người nộp thuế có trách nhiệm chứng minh việc thực hiện phân tích, so sánh và lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định này khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu…”.
– Điều 19 quy định các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết:
“1. Người nộp thuế được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại Mục III, Mục IV Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định này trong trường hợp chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế TNDN tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế TNDN với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong kỳ tính thuế, nhưng phải kê khai căn cứ miễn trừ tại Mục I, Mục II tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong các trường hợp sau:
a) Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng;…”.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp công ty A có phát sinh giao dịch liên kết với các bên có quan hệ liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng, các bên đều được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong kỳ tính thuế thì công ty A được miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết nhưng phải kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Nội dung cơ quan thuế yêu cầu về giá giao dịch liên kết đối với công ty A, đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp được giải đáp cụ thể.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: