Để làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần hoặc lương hưu, rất nhiều trường hợp đã phải quay lại công ty cũ để chốt sổ BHXH do trước đó nghỉ ngang. Vậy nếu công ty cũ đã phá sản, người lao động phải làm gì để chốt sổ bảo hiểm?
- Người lao động có được tự chốt sổ BHXH không?
Theo điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 21 Luật BHXH năm 2014 cũng ghi nhận trách nhiệm phối hợp chốt sổ BHXH của người sử dụng lao động như sau:
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Từ những căn cứ trên, có thể thấy, việc chốt sổ BHXH là trách nhiệm của người sử dụng lao động và được thực hiện với sự phối hợp của cơ quan BHXH.
Do đó, người lao động không thể tự mình chốt sổ BHXH tại cơ quan BHXH sau khi đã nghỉ việc. Lúc này, người lao động phải quay trở lại công ty cũ để yêu cầu họ thực hiện thủ tục chốt sổ BHXH cho mình.
Nếu không chốt sổ BHXH cho người lao động, phía công ty sẽ bị xử phạt hành chính từ 02 – 40 triệu đồng, tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm (theo khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
- Công ty phá sản nhưng chưa chốt sổ BHXH, phải làm sao?
Như đã phân tích, người lao động không thể tự mình chốt sổ BHXH mà phải quay lại công ty cũ để yêu cầu thực hiện thủ tục này. Tuy nhiên, nếu công ty cũ đã phá sản thì người lao động chốt sổ BHXH như thế nào?
Trước hết, có thể thấy việc không chốt sổ BHXH cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động là hành trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Do đó, người lao động hoàn toàn có quyền khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo quy định tại Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội, trong trường hợp công ty đã phán sản, tức không còn tồn tại, người lao động chưa được chốt sổ BHXH có thể khiếu nại trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện để yêu cầu giải quyết.
Theo đó, người lao động có thể đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty cũ đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết.
Lúc này, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành xác minh và liên hệ với cơ quan BHXH để chốt sổ BHXH cho người lao động.
Trường hợp công ty cũ đã phá sản mà vẫn còn đang nợ tiền bảo hiểm, cơ quan BHXH sẽ giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH, sửa bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH như sau:
1.2. Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Theo đó, cơ quan BHXH sẽ chốt sổ BHXH đến thời điểm công ty cũ đã đóng BHXH cho người lao động.
- Chưa chốt sổ ở công ty cũ có được đóng tiếp BHXH ở công ty mới?
Nhiều trường hợp khi công ty cũ thường gây khó dễ bằng cách không chịu chốt sổ BHXH. Vậy khi đó, việc tham gia BHXH của người lao động ở công ty mới có bị ảnh hưởng gì không?
Hiện nay Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn không có Điều khoản nào quy định người lao động chưa chốt sổ ở công ty cũ thì không được tham gia BHXH ở công ty mới.
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người lao động chỉ cần làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Mặt khác, khi thực hiện thủ tục tham gia BHXH bắt buộc, người lao động chỉ cần khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) và nộp cho người sử dụng lao động.
Trong đó, người tham gia đã có mã số BHXH chỉ cần khai mã số BHXH cùng các thông tin về họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh,… sau đó nộp để người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH.
Như vậy, dù chưa chốt sổ BHXH tại công ty cũ nhưng người lao động vẫn có thể cung cấp mã số BHXH để được đóng nối BHXH tại công ty mới.
Lưu ý: Trường hợp người lao động nghỉ việc nhưng công ty cũ chưa báo giảm lao động thì người lao động sẽ không thể tham gia BHXH ở công ty mới bởi:
Nếu công ty cũ đóng BHXH cho người lao động trước đó mà chưa báo giảm lao động thì người này vẫn được coi là làm việc cho công ty này. Theo đó, khi tham gia BHXH tại công ty mới, người lao động được xác định là có đồng thời 02 hợp đồng lao động với các đơn vị khác nhau.
Căn cứ khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH, người lao động đồng thời có từ 02 hợp đồng trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên, đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất, đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động.
Do đó, chỉ khi công ty cũ báo giảm lao động, người lao động mới có thể tham gia BHXH theo hợp đồng lao động với công ty mới.
Nói tóm lại, việc có chốt sổ BHXH tại công ty cũ hay không sẽ không ảnh hưởng đến việc tham gia BHXH tại công ty mới. Tuy nhiên nếu công ty cũ chưa báo giảm lao động do chấm dứt hợp đồng, người lao động sẽ không thể đóng BHXH tại công ty mới.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: