Khi góp vốn vào doanh nghiệp thì việc góp vốn vào doanh nghiệp bằng tiền mặt hay chuyển khoản cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.

  1. Trường hợp 01: Doanh nghiệp thực hiện góp vốn vào doanh nghiệp khác

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP :

“Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp

  1. Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.”

Và căn cứ theo quy định tại Khoản1, Khoản 2 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC:

“Điều 3. Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác

  1. Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
  2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

a) Thanh toán bằng Séc;

b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.”

Theo đó, đối với các giao dịch góp vốn của doanh nghiệp vào doanh nghiệp khác, doanh nghiệp phải thực hiện chuyển khoản mà không được thanh toán bằng tiền mặt.

  1. Trường hợp 02: Cá nhân thực hiện góp vốn vào doanh nghiệp khác

Quy định tại Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC nêu trên chỉ quy định doanh nghiệp không được góp vốn vào doanh nghiệp khác mà không có quy định bắt buộc cá nhân góp vốn phải qua tài khoản ngân hàng.

Vì vậy, khi một cá nhân thực hiện góp vốn vào doanh nghiệp, có thể lựa chọn góp vốn bằng tiền mặt hoặc góp vốn qua tài khoản ngân hàng.

Ví dụ:  Anh A cam kết góp vốn 1 tỷ  vào thành lập công ty TNHH YYY, tuy nhiên anh A mới góp được một nửa, vậy thì với 500 triệu còn lại anh A có thể góp vốn bằng tiền mặt được không hay phải chuyển khoản theo Thông tư 09/2015/TT-BTC?

Như đã đề cập ở trên, chỉ hạn chế góp vốn bằng tiền mặt khi doanh nghiệp thực hiện việc góp vốn vào doanh nghiệp khác chứ không hạn chế việc góp vốn của các thành viên là cá nhân vào doanh nghiệp.

Do đó, anh A có thể góp số vốn còn thiếu (500 triệu đồng) bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào công ty TNHH YYY.

Lưu ý: Việc góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

Và doanh nghiệp khi nhận vốn góp cần lưu ý thực hiện một số công việc như chuyển đổi vốn điều lệ, chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn,…

  1. Doanh nghiệp cần làm gì khi nhận vốn góp

Khi nhận được phần vốn góp thì vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Khi đó, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục thay đổi vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi.

Đối với loại hình doanh nghiệp công ty TNHH MTV hay doanh nghiệp tư nhân thì pháp luật quy định chỉ có 01 chủ sở hữu, thế nên khi nhận vốn góp, tiếp nhận thêm thành viên, doanh nghiệp phải chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp cho phép có nhiều chủ sở hữu.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, khi nhận vốn góp doanh nghiệp có thể chuyển đổi thành công ty TNHH nhiều thành viên.

Đối với công ty TNHH MTV, khi nhận vốn góp thì doanh nghiệp có thể chuyển đổi thành công ty TNHH nhiều thành viên hoặc công ty cổ phần.

Doanh nghiệp có thể nhận tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Khi góp vốn vào công ty, thành viên hoặc cổ đông phải chuyển quyền sở hữu cho công ty theo quy định sau đây:

– Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.

– Cổ phần hoặc phần vốn góp bằng tài sản không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply