Dù hóa đơn điện tử được phủ sóng gần một năm qua nhưng hiện tượng xuất khống, mua bán hóa đơn điện tử vẫn diễn ra.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có Công điện số 01/CĐ-BTC gửi Tổng cục Thuế và Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).
- Thực trạng xuất khống, mua bán hóa đơn để trục lợi
Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua có hiện tượng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng không gian mạng xã hội, sử dụng công nghệ đăng tải thông tin, quảng cáo mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Ông Mai Xuân Thành, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, yêu cầu tất cả các cục thuế rà soát thông tin có nội dung rao bán hóa đơn điện tử không hợp pháp trên nền tảng không gian mạng; thu thập thông tin của tổ chức, cá nhân bán trái phép hóa đơn điện tử và xử lý theo quy định.
“Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn, các cục thuế xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định, đồng thời thông báo đến cơ quan thuế liên quan và tiến hành nhập toàn bộ thông tin lên ứng dụng xác minh hóa đơn”, ông Thành nhấn mạnh.
- Xử lý nghiêm việc phát hành, xuất khống, mua bán hóa đơn điện tử để trục lợi?
Vừa qua, Bộ Tài chính có Công điện 01/CĐ-BTC năm 2023 gửi Tổng cục Thuế và các Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử.
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ của doanh nghiệp nói riêng, người nộp thuế nói chung về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế.
- Cảnh báo kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế; xây dựng kế hoạch tổng thể, có tính hệ thống để phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế, không để xảy ra các vi phạm về phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu rà soát tổng thể, đánh giá và đề xuất việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử;
- Khẩn trương hoàn thành thủ tục lấy ý kiến thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin Hóa đơn điện tử;
- Có giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng đối với hệ thống Hóa đơn điện tử;
- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi bất thường trên hệ thống Hóa đơn điện tử;
- Phân công, bố trí cán bộ thực hiện công tác phân tích, đánh giá và cảnh báo, kịp thời phát hiện các hành vi giả mạo, gian lận về hóa đơn điện tử.
- Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Công an, các Bộ, ngành đơn vị liên quan nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật trong phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
- Việc xuất hóa đơn, chứng từ khống sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP có đề cập như sau:
Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ
…
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:
a) Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;
b) Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;
c) Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;
d) Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;
đ) Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;
e) Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.
Theo đó, việc xuất hóa đơn khống là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
Xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.
Theo đó, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, cụ thể là xuất khống hóa đơn có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức, trường hợp người vi phạm là cá nhân thì mức phạt bằng 1/2 mức phạt áp dụng cho tổ chức (theo khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP).
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: