Hóa đơn sai địa chỉ là một trong những vấn đề thường gặp khi xuất hóa đơn. Vậy hóa đơn sai địa chỉ người mua xử lý như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viêt sau:
- Hóa đơn sai địa chỉ người mua xử lý như thế nào?
Tùy vào việc hóa đơn sai địa chỉ người mua đã gửi cho người mua hay chưa, có sai tiêu thức nào khác không và do ai phát hiện sai sót mà sẽ có cách xử lý tương ứng.
1.1. Hóa đơn sai địa chỉ chưa gửi cho người mua
Căn cứ khoản 1 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC, trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế nhưng chưa gửi cho người mua bị sai địa chỉ thì hủy hóa đơn đã lập và lập hóa đơn mới gửi lại cho người mua.
Cụ thể, quy trình xử lý như sau:
Bước 1: Người nộp thuế lập mẫu 04/SS-HĐĐT thông báo về việc hóa đơn điện tử đã lập có sai sót gửi cơ quan thuế.
Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử sai sót đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.
Do hóa đơn có sai sót này chưa gửi cho khách hàng nên khi hủy hóa đơn không cần thông báo hủy cho khách hàng.
Bước 2: Người nộp thuế lập hóa đơn điện tử mới ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn có sai sót để gửi cho người mua.
Lưu ý:
– Cách này được áp dụng cho tất cả các lỗi sai (chỉ cần chưa gửi cho người mua).
– Trường hợp này bên bán không cần lập biên bản hủy hóa đơn.
– Có thể làm mẫu 04/SS-HĐĐT cho 01/nhiều hóa đơn có sai sót.
– Thời hạn nộp mẫu 04/SS-HĐĐT chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế GTGT phát sinh hóa đơn điện tử điều chỉnh.
1.2. Hóa đơn sai địa chỉ nhưng không sai các nội dung khác đã gửi cho người mua
Theo điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp hóa đơn điện tử sai địa chỉ người mua nhưng không sai mã số thuế và các nội dung khác thì người bán thông báo hóa đơn có sai sót cho người mua và cơ quan thuế, không phải lập lại hóa đơn mới. Cụ thể,
Bước 1: Người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót, không phải lập lại hóa đơn mới.
Bước 2: Người bán thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện có sai sót theo mẫu 04/SS-HĐĐT (trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế sai địa chỉ người mua nhưng chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế thì không phải thực hiện bước này).
1.3. Hóa đơn sai địa chỉ do cơ quan thuế phát hiện
Trường hợp cơ quan thuế phát hiện hóa đơn điện tử có/không có mã của cơ quan thuế đã lập bị sai địa chỉ người mua thì cơ quan thuế sẽ thông báo cho người bán rà soát, kiểm tra sai sót theo mẫu 01/TB-RSĐT
Theo thời hạn thông báo ghi trên thông báo, người bán thực hiện kiểm tra hóa đơn có sai sót sau đó thông báo với cơ quan thuế theo mẫu số 04/SS-HĐĐT.
Hết thời hạn thông báo ghi trên thông báo mà người bán không thông báo với cơ quan thuế thì cơ quan thuế tiếp tục thông báo lần 2 cho người bán. Nếu quá thời hạn thông báo lần 2 mà người bán vẫn không có thông báo thì cơ quan thuế xem xét chuyển sang trường hợp kiểm tra về sử dụng hóa đơn điện tử.
Tùy từng trường hợp thì hóa đơn sai địa chỉ sẽ được xử lý theo cách khác nhau.
- Hóa đơn sai địa chỉ người mua có được khấu trừ thuế?
Hóa đơn sai địa chỉ người mua dẫn đến không xác định được người mua sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Cụ thể, khoản 15 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định:
- Cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp:
– Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 12 Điều này);
Đối chiếu với khoản 12 Điều này:
- Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào dưới hình thức ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác mà hóa đơn mang tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền bao gồm các trường hợp sau đây:
a) Doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền cho người tham gia bảo hiểm sửa chữa tài sản; chi phí sửa chữa tài sản cùng các vật tư, phụ tùng thay thế có hóa đơn GTGT ghi tên người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thanh toán cho người tham gia bảo hiểm phí bảo hiểm tương ứng theo hợp đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm được kê khai khấu trừ thuế GTGT tương ứng với phần bồi thường bảo hiểm thanh toán theo hóa đơn GTGT đứng tên người tham gia bảo hiểm; trường hợp phần bồi thường bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán cho người tham gia bảo hiểm có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng.
b) Trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư thì doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT đứng tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền và phải thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên.
Theo đó, ngoài các trường hợp quy định tại khoản 12 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC nêu trên thì các trường hợp khác mà ghi sai địa chỉ người mua dẫn đến không xác định được người mua đều sẽ không được khấu trừ thuế.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: