Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Vậy không ủy quyền quyết toán thuế TNCN có được giảm trừ gia cảnh không?

1. Không ủy quyền quyết toán thuế TNCN có được giảm trừ gia cảnh không?

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định các khoản giảm trừ gia cảnh:

Các khoản giảm trừ

Các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều này là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh. Cụ thể như sau:

1. Giảm trừ gia cảnh

c) Nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh

c.1) Giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế:

c.1.1) Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.

c.1.2) Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).

c.1.3) Trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

c.2) Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

c.2.1) Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

c.2.2) Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Đối với người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.

Như vậy, người nộp thuế được giảm trừ gia cảnh cho bản thân khi có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.

Về nguyên tắc người nộp thuế được giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế hoặc cho người phụ thuộc khi người nộp thuế đăng ký và được cơ quan thuế cấp mã số thuế và không phụ thuộc vào việc có ủy quyền quyết toán thuế hay không

Cho nên, trường hợp người nộp thuế không ủy quyền quyết toán thuế TNCN thì vẫn được giảm trừ gia cảnh.

2. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là bao nhiêu 1 tháng?

Tại Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 có quy định mức giảm trừ gia cảnh như sau:

Mức giảm trừ gia cảnh

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 như sau:

1. Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

2. Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức giảm trừ đối tượng nộp thuế một tháng là 11 triệu đồng.

Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc một tháng là 4,4 triệu đồng.

3. Đối tượng nào phải trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế?

Căn cứ Tiểu mục 1 Mục 1 Công văn 9188/CTHN-HKDCN năm 2022 quy định đối tượng phải trực tiếp quyết toán thuế TNCN với cơ quan Thuế là cá nhân có thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công, cụ thể như sau:

– Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công nếu có số thuế phải nộp thêm trừ các trường hợp có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán thuế từng năm từ 50.000 đồng trở xuống.

– Cá nhân có số thuế nộp thừa có nhu cầu đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

– Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo.

– Cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam phải khai quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh.

Lưu ý: Cá nhân có mặt tại Việt Nam tính trong năm dương lịch đầu tiên dưới 183 ngày, nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì năm quyết toán đầu tiên là 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply