Nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) Tổng cục Thuế đã chủ động tham mưu, hoàn thiện khung khổ pháp lý, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (NNT). Với các giải pháp đó nên đến nay đã 334 sàn TMĐT gửi dữ liệu cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Đây là cơ sở quan trọng để ngành thuế phân công nhiệm vụ quản lý, cũng như xây dựng các kế hoạch thanh, kiểm tra theo chuyên đề để chống thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Sàn TMĐT chưa cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan thuế
Đại diện Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân cho biết, để quản lý đối với hoạt động TMĐT, Tổng cục Thuế đã tham mưu, báo cáo, trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn giao dịch TMĐT cho cơ quan thuế được thực hiện định kỳ hàng quý bằng phương thức điện tử qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng và chính thức vận hành Cổng Thông tin TMĐT từ ngày 15/12/2022. Thông qua Cổng Thông tin TMĐT, đã có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki…, cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế với các thông tin như: thông tin định danh (tên, mã số thuế, đăng ký kinh doanh, căn cước công dân), thông tin liên hệ (email, số điện thoại), địa chỉ kinh doanh, địa chỉ thường trú, nhóm ngành hàng dịch vụ kinh doanh, tài khoản ngân hàng.
Trong kỳ cung cấp thông tin quý IV/2022, đã có 310 sàn cung cấp thông tin. Theo đó, cơ quan thuế có danh sách của 159.218 cá nhân và 31.882 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với 50,7 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 15.272 tỷ đồng.
Tính đến ngày 24/6/2023, đã có 259 sàn cung cấp thông tin. Theo đó, cơ quan thuế có danh sách của 64.327 cá nhân và 22.840 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với 9 tỷ lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 11.478 tỷ đồng. Tính đến ngày 17/7/2023, đã có 334 sàn TMĐT gửi dữ liệu cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Đây là những kết quả bước đầu rất tích cực.
Tuy nhiên nếu so sánh và phân tích dữ liệu của quý IV/2022 và quý I/2023, có thể thấy rằng thông tin có nhiều điểm bất hợp lý cần rà soát lại như: số lượng sàn cung cấp thông tin giảm 16,45%. Số lượng tổ chức, các nhân kinh doanh trên sàn giảm rất lớn, tương ứng khoảng 30% và 60%, trong khi đó, số lượt giao dịch trên sàn lại tăng vọt đến trên 17.806%, giá trị giao dịch giảm 24,84%, bình quân giá trị giao dịch giảm 99,58%.
Trong quý IV/2022, có 232 sàn không có thông tin về số lượt giao dịch; trong quý I/2023 có 184 sàn không có thông tin về số lượt giao dịch, như vậy cần phải rà soát lại xem các sàn này nếu có chức năng đặt hàng trực tuyến mà không cung cấp thông tin về số lượt giao dịch là đã vi phạm về quy định cung cấp thông tin.
Cụ thể, sàn giao dịch của Công ty TNHH Bia và nước giải khát Heineken Việt Nam trong cả quý IV/2022 và quý I/2023 đều có lượt giao dịch thành công, với 478.080 lượt của quý IV/2022 và 373.726 lượt của quý I/2023 và số lượng tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn là 286 của quý IV/2022 và 295 của quý I/2023, nhưng sàn không cung cấp thông tin về giá trị giao dịch của các tổ chức, cá nhân này.
Bên cạnh đó, có 2 sàn khác thuộc Công ty TNHH Ê Su Hai và Công ty TNHH Piktina Việt Nam có thông tin về số lượt giao dịch thành công, với gần 9 nghìn lượt giao dịch, nhưng không cung cấp về thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Nếu xét riêng về thông tin mã số thuế của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn, đây là thông tin quan trọng bắt buộc phải có theo quy định của kinh doanh TMĐT và pháp luật thuế, tuy nhiên trong quý 4/2022 vẫn còn 138 sàn và quý 1/2023 vần còn 115 sàn không cung cấp đủ thông tin MST, điều này dẫn đến khó khăn cho cơ quan thuế khi xác định NNT.
Đẩy mạnh tuyên tuyền hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân tự giác nộp thuế
Trước thực trạng này, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố cần phối hợp với Sở Công thương để yêu cầu các sàn cập nhật đầy đủ thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn theo quy định, trong trường hợp cần thiết tổ chức phối hợp liên ngành để kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật thuế.
Cục thuế các địa phương cần tập trung thực hiện rà soát tình hình kê khai, nộp thuế, phân loại, phân công cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, yêu cầu NNT giải trình, thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định. Bên cạnh đó, cần rà soát, lựa chọn các DN kinh doanh trên sàn, các DN là chủ sàn kinh doanh TMĐT, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán có rủi ro cao để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra theo chuyên đề TMĐT.
Đối với trường hợp NNT không hợp tác, cơ quan thuế lựa chọn một số trường hợp điển hình, lập danh sách, báo cáo lãnh đạo cơ quan thuế xây dựng chương trình phối hợp với các ban ngành địa phương thực hiện việc kiểm tra tại địa bàn để xác định chính xác tình hình thực tế, từ đó đề xuất xử lý theo pháp luật thuế và các pháp luật chuyên ngành.
Trong thời gian tới, cơ quan thuế các cấp sẽ tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban ngành, ngân hàng thương mại, tổ chức có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin phục vụ công tác quản lý TMĐT. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định của pháp luật về cung cấp thông tin TMĐT đến toàn bộ NNT, đặc biệt là các tổ chức chủ sở hữu sàn TMĐT thuộc địa bàn quản lý, trong đó chú trọng tuyên truyền hỗ trợ NNT là cá nhân kinh doanh TMĐT, kinh doanh dịch vụ số thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Trường hợp cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT chưa tự thực hiện được có thể ủy quyền cho chủ sở hữu sàn TMĐT khai thay nộp thay theo quy định của pháp luật dân sự./.