Tiếp nối bài viết Một số lưu ý về chi phí lãi vay (Phần 1), chúng ta cùng tiếp tục tìm hiểu các quy định về chi phí lãi vay đưa vào chi phí được trừ của doanh nghiệp.
5. Vay khi chưa góp đủ vốn điều lệ
Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
– Số tiền vay ≤ Số vốn điều lệ còn thiếu => Toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.
– Số tiền vay > Số vốn điều lệ còn thiếu:
+ Nếu phát sinh nhiều khoản vay:
Khoản chi trả lãi không được trừ | = | tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay | x | tổng số lãi vay |
+ Nếu chỉ phát sinh một khoản vay:
Khoản chi trả lãi không được trừ | = | Số vốn điều lệ còn thiếu | x | lãi suất | x | thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu. |
Lưu ý: Theo quy định tại Luật 68/2014/QH13 về Doanh nghiệp:
-
- Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.
Ví dụ: Công ty A thành lập ngày 1/1 có vốn điều lệ 100 tỷ, ngày 1/2 góp 60 tỷ, ngày 1/7 góp 40 tỷ. Lãi vay từ ngày 1/1 đưa vào bao nhiêu?
Như vậy nếu công ty phát sinh khoản vay từ ngày 1/1 thì:
- Từ ngày 1/1 – 31/1 : chưa đưa chi phí lãi vay vào chi phí được trừ do chưa góp vốn
- Từ ngày 1/2 – 31/3: chỉ được đưa vào chi phí được trừ 60% chi phí lãi vay trên tổng chi phí lãi vay.
Tính đến đây, đã quá hạn góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp => DN phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ.
Do đó, việc DN điều chỉnh vốn điều lệ như thế nào sẽ là căn cứ xác định chi phí lãi vay đưa vào chi phí được trừ.
6. Vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác
Trước năm 2015: Trường hợp vay vốn để đầu tư vào doanh nghiệp khác không được tính vào chi phí được trừ, các văn bản như thông tư 78/2014/TT-BTC hay Nghị định 218/2013/NĐ-CP đều không đề cập đến trường hợp này
Từ năm 2015 đến nay:
Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC, sửa đổi bổ sung Điều 6 Thông tư 78 thì:
Trường hơp DN đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào DN khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ
7. Vay khi tồn quỹ tiền mặt quá nhiều
Trường hợp DN vay trong khi lượng tiền mặt tồn quỹ còn rất nhiều tuy không trái với quy định của pháp luật nhưng chứa đựng rất nhiều rủi ro, từ đó Cơ quan Thuế sẽ yêu cầu DN giải trình để chứng minh sai phạm của DN. Nếu Cơ quan Thuế chứng minh được DN sử dụng khoản vay không dùng cho kinh doanh mà dùng cho mục đích khác thì toàn bộ lãi vay của khoản vay này sẽ không được đưua vào chi phí được trừ.
Một vài lý do có thể được Cơ quan Thuế chấp nhận:
- Do KH trả tiền trong khi khoản vay chưa đáo hạn thanh toán nên tiền mặt tồn quỹ nhiều
- Lượng tiền mặt tồn quỹ này sẽ được dùng để thanh toán cho dự án đã được lên kế hoạch từ trước nên công ty phải vay thêm để trang trải cho hoạt động kinh doanh.
8. Vốn hóa chi phí lãi vay
Theo quy định tại chuẩn mực số 16:
- Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hoá)
- Việc vốn hoá chi phí đi vay sẽ chấm dứt khi các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành. Chi phí đi vay phát sinh sau đó sẽ được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh
Theo đó, lãi vay trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, phân xưởng để hình thành nên TSCĐ sẽ được vốn hóa vào nguyên giá của TSCĐ. Đến khi tài sản được đưa vào sử dụng thì chi phí lãi vay sẽ đưuọc ghi nhận là chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.
Lưu ý:
– Đối với các doanh nghiệp sản xuất có chu kỳ kinh doanh lớn hơn 12 tháng, chi phí lãi vay sẽ được hạch toán vào 627 để kết chuyển vào giá thành sản phẩm chứ không ghi nhận vào chi phí hoạt động kinh doanh trong kỳ (635)
Vd: DN đóng tàu, trang trại nuôi cá sấu…
– Trường hợp đầu tư các dự án bất động sản, không phân biệt trên hay dưới 12 tháng thì chi phí lãi vay cũng được tính vào giá thành bất động sản đến khi sản phẩm BĐS hoàn thành và sẵn sàng để bán
– Đối với các nhà thầu xâu dựng thi công công trình cho khách hàng có phát sinh khoản vay thì chi phí lãi vay không được vốn hóa. Do giá trị của công trình xây dựng liên quan đến chủ đầu tư chứ không liên quan đến nhà thầu xây dựng.
Trên đây là bài viết tổng hợp một số lưu ý về chi phí lãi vay trong mối quan hệ với thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Tổng hợp bởi VinaTas – Đại lý Thuế
(Vui lòng ghi nguồn khi copy bài viết)