Hiện nay, pháp luật không cấm người lao động cùng lúc làm việc tại nhiều công ty nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết. Vậy trường hợp làm việc tại nhiều công ty thì người lao động đóng BHXH, BHTN, BHYT thế nào?

  1. Người lao động có được ký kết nhiều hợp đồng lao động không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Bộ luật lao động năm 2019 quy định như sau:

“Điều 19. Giao kết nhiều hợp đồng lao động

‘1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

‘2. Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động”.

Như vậy người lao động nếu đáp ứng đầy đủ các nội dung về công việc đẫ giao kết trong hợp đồng thì có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động khác nhau và hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật lao động hiện hành.

  1. Người lao động làm việc cùng lúc ở cả hai công ty thì đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?

Căn cứ quy định khoản 1 Điều 42 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXX năm 2017 quy định về quản lý đối tượng như sau:

Quản lý đối tượng

1. Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.

– Đối với quỹ hưu trí, tử tuất:

  • Theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.

– Đối với quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp:

  • Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

– Đối với bảo hiểm thất nghiệp:

  • Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013, trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

– Đối với bảo hiểm y tế:

  • Theo khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014), trường hợp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

Như vậy, người lao động đồng thời có từ 2 hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì sẽ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên, đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất, đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động.

  1. Hợp đồng ký sau được giải quyết quyền lợi bảo hiểm thế nào?

Đối với hợp đồng lao động được ký sau, người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội nên sẽ không được tính hưởng quyền lợi về bảo hiểm đối với hợp đồng này.

Tuy nhiên, người lao động sẽ được bù đắp quyền lợi bằng việc được người sử dụng lao động trả thêm khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế mà người sử dụng lao động phải đóng (theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019).

Số tiền này sẽ được chi trả cùng lúc với tiền lương trong từng kỳ trả lương cho người lao động.

Nếu không chi trả hoặc trả không đủ số tiền đóng bảo hiểm cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 4 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

  • Phạt từ 03 đến 05 triệu đồng: Không trả tiền cho 01 đến 10 người lao động.
  • Phạt từ 05 đến 08 triệu đồng: Không trả tiền cho 11 đến 50 người lao động.
  • Phạt từ 08 đến 12 triệu đồng: Không trả tiền cho 51 đến 100 người lao động.
  • Phạt từ 12 đến 15 triệu đồng: Không trả tiền cho 101 đến 300 người lao động.
  • Phạt từ 15 đến 20 triệu đồng: Không trả tiền cho 301 người lao động trở lên.

Cùng với việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn buộc phải trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội cộng với khoản tiền lãi tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply