“Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là nghĩa vụ của công dân, không nên quyết toán muộn để tránh bị xử phạt hành chính về thuế” chuyên gia cao cấp về thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) khuyến nghị.

(Theo nguồn Báo đầu tư)

Kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2022 kết thúc vào ngày 2/5/2023. Thưa ông, mặc dù Luật Thuế TNCN đã thực hiện 25 năm, nhưng cứ đến kỳ quyết toán, người nộp thuế vẫn có rất nhiều tâm tư?

Có hai đối tượng phải nộp thuế gồm: nhóm người có thu nhập tương đối cao, khi quyết toán phải nộp thêm sau khi đã được đơn vị chi trả thu nhập tạm khấu trừ lúc trả thu nhập trước đó. Nhóm còn lại chiếm phần đông là những người quyết toán để được hoàn lại một phần hoặc toàn bộ số tiền thuế TNCN đã được tạm khấu trừ lúc nhận thu nhập.

Với hai nhóm người này tâm tư rất khác nhau, nhưng giống nhau ở hai điểm: Thứ nhất là, nộp thuế ở đâu, vào thời điểm nào, kê khai ra làm sao, được lấy về hay phải nộp thêm? Thứ hai là, nhiều người muốn kê khai thuế qua mạng, nhưng do trình độ tin học hạn chế nên không biết liệu có được cơ quan thuế hỗ trợ hay không? Người có nhiều khoản thu nhập băn khoăn liệu có phải tất cả các khoản thu nhập đều phải kê khai, quyết toán, hay chỉ phải kê khai, quyết toán một số khoản và kê khai, quyết toán thế nào?

Những người được hoàn thuế do số thuế tạm khấu trừ lớn hơn số thuế người ta phải nộp bao giờ cũng băn khoăn về công tác phục vụ, thái độ của công chức thuế khi đi hoàn thuế vì câu chuyện trên báo chí, nhất là trên mạng xã hội về hoàn thuế thường là rất khó khăn, phiền hà, nhiêu khê với rất nhiều thủ tục, giấy tờ, mất nhiều thời gian công sức, đi lại nhiều lần.

Do trình độ hiểu biết về nghĩa vụ của cá nhân với ngân sách nhà nước của đại đa số người dân, thậm chí cả doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh rất hạn chế, nên những băn khoăn này luôn hiện hữu khi thực hiện quyết toán thuế.

Nhiều cá nhân cho biết, họ chậm nộp thuế là do “quên” không đi quyết toán, trong khi đó, cơ quan thuế đã thiếu trách nhiệm trong việc thông báo nộp thuế?

Hiến pháp trao cho công dân rất nhiều quyền và nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời cũng quy định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”. Luật Quản lý thuế quy định 11 nhóm trách nhiệm của người nộp thuế như đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật; khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế; nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm; ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế…

Như vậy, khai thuế, quyết toán thuế, nộp thuế là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân với ngân sách nhà nước, chứ không phải của cơ quan thuế. Vì thế, không đi quyết toán mà phải nộp tiền chậm nộp là lỗi của cá nhân. Trong trường được hoàn thuế mà không đi quyết toán nên không được hoàn, bị thiệt thòi cũng là lỗi của người nộp thuế vì đã không hoàn thành quyền và trách nhiệm của mình với ngân sách nhà nước đã được hiến định và quy định cụ thể trong Luật Quản lý thuế.

Ông có lời khuyên nào để cá nhân tránh việc phải nộp tiền chậm nộp do trước đây không đi quyết toán?

Thuế TNCN là thuế tạm nộp mỗi khi cá nhân có thu nhập và thực hiện quyết toán vào năm sau. Cụ thể, theo Luật Quản lý thuế, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm (thuế TNCN và thuế thu nhập doanh nghiệp) chậm nhất là ngày 31/3 năm sau. Để tạo điều kiện cho cá nhân trực tiếp quyết toán thuế, luật cho phép đối tượng này được thêm một tháng nữa, tức là ngày 30/4 năm sau mới là hạn cuối cùng quyết toán thuế TNCN của năm trước.

Ngày 30/4 và 1/5/2023 là ngày nghỉ lễ, nên thời điểm quyết toán thuế TNCN năm 2022 cuối cùng là ngày 2/5. Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là hết thời hạn nên tôi khuyên cá nhân nên tranh thủ đi quyết toán thuế năm 2022, tránh dồn vào thời gian cao điểm phải mất công chờ đợi, nếu không kịp quyết toán mà phải nộp thêm thì sẽ bị phạt và nộp tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Trong trường hợp các năm trước có thu nhập phải nộp thuế, nhưng cá nhân vì lý do nào đó chưa đi quyết toán, dựa trên dữ liệu lưu giữ, cơ quan thuế sẽ tìm ra tất cả các khoản thu nhập mà cá nhân đã nhận, nhận ở đâu, nhận bao nhiêu, đã khấu trừ chưa, sau khi khấu trừ có phải nộp thêm hay không… thì cơ quan thuế có trách nhiệm nhắc nhở người nộp thuế khai lại thuế những năm trước chưa quyết toán để quyết toán dứt điểm.

Thưa ông, với những người có nhiều khoản thu nhập thì rất khó nhớ có bao nhiêu khoản thu nhập, đã khấu trừ chưa?

Tôi nhắc lại rằng, dữ liệu về các khoản thuế, trong đó có thuế TNCN, theo mã số thuế cá nhân, cơ quan thuế có đầy đủ, chính xác với bất cứ cá nhân nào có thu nhập ở đâu, vào thời điểm nào; tổ chức, cá nhân nào chi trả, chi trả bao nhiêu, đã tạm khấu trừ bao nhiêu… Vì vậy, khi quyết toán thuế, cá nhân nên đề nghị công chức thuế in cho bảng thu nhập của mình để thực hiện quyết toán chính xác và thực hiện quyết toán dứt điểm những năm quên chưa quyết toán, tránh bị phạt hành chính do hành vi chậm quyết toán và phải nộp tiền chậm nộp.

Nếu cá nhân không rành về hóa đơn, chứng từ, quyết toán, thì có thể nhờ công chức thuế trợ giúp. Hỗ trợ người nộp thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ của công chức thuế, nếu công chức nào không tận tình hỗ trợ, giúp đỡ trong việc quyết toán thuế, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có quyền kiến nghị lên cấp cao hơn.

Thực tế thì cá nhân bao giờ cũng nắm đằng chuôi, vì theo quy định, thu nhập vãng lai dưới 2 triệu đồng/lần, đơn vị chi trả thu nhập không được tạm khấu trừ, nhưng thực tế thì cá nhân đều bị khấu trừ?

Thực tế là như vậy, câu hỏi đặt ra là khấu trừ như thế có đúng không? Tôi khẳng định là đơn vị chi trả thu nhập thực hiện khấu trừ 10% tiền thuế TNCN không sai vì kế toán, thủ quỹ xuất tiền ra phải ghi đầy đủ thông tin người nhận tiền gồm họ tên, mã số thuế, căn cước công dân để khi cơ quan thuế kiểm tra, đơn vị trả thu nhập có đầy đủ chứng từ; bảo đảm khoản chi ra đã được kiểm soát, không bị thất thoát thuế và đặc biệt là tránh trường hợp đơn vị chi trả thu nhập ghi khống người nhận tiền để gian lận thuế, trốn thuế.

Khi trả thu nhập đã khấu trừ, theo quy định, đơn vị chi trả thu nhập phải giao chứng từ khấu trừ cho cá nhân, nhưng thông thường các khoản nhỏ vài ba triệu, đơn vị chi trả không giao chứng từ cho cá nhân, do rất nhiều trường hợp như cá nhân đi dự hội thảo, tọa đàm, nhận tiền nhuận bút, bài viết kỷ yếu… chẳng hạn, để viết chứng từ khấu trừ thuế cho nhiều người rất phiền phức, thậm chí khá tế nhị do văn hóa của người Việt.

Mặc dù có được nhận chứng từ khấu trừ thuế hay không, khi đi quyết toán thì tất cả các khoản thu nhập này trị giá bao nhiêu, đã khấu trừ bao nhiêu đều được lưu giữ ở cơ quan thuế, nên cá nhân yên tâm. Chỉ có những người được hoàn thuế mà không đi quyết toán bị thiệt thòi. Vì vậy, để lấy lại quyền lợi của mình, cá nhân nên đi quyết toán thuế. Trong trường hợp được hoàn thuế, nếu đi quyết toán muộn cũng không bị phạt nên cá nhân cứ yên tâm, tránh thời gian cao điểm khi đi quyết toán thuế TNCN.

DỊCH VỤ QUYẾT TOÁN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply