Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hoá (sản phẩm hoặc dịch vụ) đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Nó sẽ bao gồm các hoạt động vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung cầu.

Vậy thời điểm giảm thuế đối với hoặt động vận chuyển trong lĩnh vực logistic là khi nào? Cùng tham khảo tình huống trên trang BTC như sau nhé.

Tình huống:

Kính gửi Bộ tài chính. Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực logistic cụ thể là vận chuyển container đường bộ. MST: 0200107511. Chúng tôi có ký hợp đồng vận chuyển container với khách hàng với kỳ quyết toán theo thỏa thuận vào ngày 20 hàng tháng. Ngày 20.7.2023 chúng tôi có gửi bảng kê sản lượng cho khách hàng cho các container vận chuyển từ ngày 21.06.2023 đến ngày 20.7.2023. Khách hàng kiểm tra và xác nhận sản lượng vào ngày 25.07.2023. Như vậy hóa đơn phát hành vào tháng 7.2023. Vậy khi phát hành hóa đơn cho khách hàng thì: Hóa đơn có phải tách sản lượng vận chuyển phát sinh từ 21.06.2023 đến 30.06.2023 và áp thuế 10% không? Hay hóa đơn áp thuế 8% cho sản lượng vận chuyển từ ngày 21.06.2023 đến 20.07.2023 đúng như kỳ quyết toán theo thỏa thuận. XIn bộ tài chính phản hồi cho chúng tôi sớm nhất để chúng tôi phát hành hóa đơn cho khách hàng kịp thời.

Trả lời:

Căn cứ theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì:

Điều 9. Thời điểm lập hóa đơn

  1. Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
  2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
  3. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
  4. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như sau:

a) Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác như trường hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không, hoạt động cung cấp điện (trừ đối tượng quy định tại điểm h khoản này), nước, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát (bao gồm cả dịch vụ đại lý, dịch vụ thu hộ, chi hộ), dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ logistic, dịch vụ công nghệ thông tin (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này) được bán theo kỳ nhất định, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với người mua.

Căn cứ theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP

Điều 1. Giảm thuế giá trị gia tăng

  1. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

d) Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp Công ty của độc giả đáp ứng điều kiện cung ứng dịch vụ vận tải hàng hóa bằng container, thuộc dịch vụ logistics theo quy định tại Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT theo quy định tại Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/06/2023 của Chính phủ. Đồng thời việc cung cấp dịch vụ này có số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa Công ty và khách hàng thì dịch vụ trên sẽ được áp dụng thuế suất thuế GTGT là 8% nếu có thời điểm lập hóa đơn theo đúng quy định tại Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và thuộc khoảng thời gian từ ngày 01/7/2023 đến ngày 31/12/2023.

https://mof.gov.vn/hoidapcstc/home/cthoidap/139933

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply