Khi ngày lập hóa đơn đúng rơi vào thứ 7, chủ nhật. Thì đến thứ 2 kế toán mới đi làm, xuất hóa đơn với ngày lập là thứ 7 và ký số vào thứ hai. Cách giải quyết này có đúng không?
Cơ sở pháp lý
Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:
Tại Điều 4 quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ:
“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này…”.
Tại Điều 13 quy định về áp dụng hóa đơn điện từ khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ:
“… 3. Quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý đối với một số trường hợp cụ thể theo yêu cầu quản lý như sau:
… c) Cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn GTGT điện tử.
Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa xuất khẩu…”.
Quy định xử phạt hành vi sai thời điểm
Căn cứ Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn:
Tại Điều 24 quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ:
“1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ;
… 3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này.
… 4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Khoản 3 Điều này;…”.
Tình huống
Công ty A hoạt động từ thứ 2 đến hết sáng thứ 7 và có thuê đơn vị B thực hiện dịch vụ khai báo hải quan, làm thêm giờ để thông quan hàng hóa xuất khẩu. Nhưng thời điểm được hải quan cấp phép thông quan là chiều thứ 7 (thời điểm mà công ty A không hoạt động) nên không xuất hóa đơn điện tử tại ngày thông quan.
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau: Trường hợp công ty của ông có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thì thực hiện lập hóa đơn GTGT điện tử theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Trường hợp công ty của ông vi phạm quy định về lập hóa đơn không đúng thời điểm khi bán hàng hóa, dịch vụ thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Căn cứ quy định và trả lời của Bộ tài chính, tình huống trên được xác định là hóa đơn lập không đúng và sẽ bị xử phạt theo quy định. Như vậy hóa đơn cần lập đúng thời điểm theo quy định để tránh bị xử phạt. Trường hợp hóa đơn có ngày ký điện tử sau ngày lập không trái với quy định hiện tại.
Trường hợp hóa đơn có ngày lập khác ngày ký thì thực hiện kê khai như sau:
* Bên bán: kê khai theo ngày lập (thời điểm lập hóa đơn theo quy định)
* Bên mua: kê khai vào ngày ký (ngày hóa đơn đầy đủ, toàn vẹn thông tin về nội dung, hình thức hóa đơn theo quy định)