Căn cứ vào mối quan hệ giữa cơ quan thuế và người chịu thuế thì thuế thường được chia thành hai loại cơ bản, đó là thuế trực thu và thuế gián thu. Vậy, thuế trực thu là gì và gồm những loại thuế phổ biến nào?

  1. Thuế trực thu là gì?

Thuật ngữ thuế trực thu và thuế gián thu được sử dụng rất phổ biến, nhất là trong nghiên cứu, giảng dạy. Mặc dù phổ biến như vậy nhưng các văn bản pháp luật về thuế không giải thích thế nào là thuế trực thu hay thuế gián thu.

Thuế trực thu, thuế gián thu không phải là tên một loại sắc thuế cụ thể như thuế giá trị gia tăng hay thuế thu nhập cá nhân. Thay vào đó, thuế trực thu, thuế gián thu là cách phân loại thuế theo nhóm nếu căn cứ vào mối quan hệ giữa cơ quan thuế và người chịu thuế.

Căn cứ mối quan hệ đó có thể hiểu như sau:

Thuế trực thu là loại thuế mà người có nghĩa vụ nộp thuế đồng thời là người chịu thuế. Nói cách khác, người nộp thuế và người chịu thuế là một (người nộp thuế không thể chuyển nghĩa vụ thuế cho các đối tượng khác).

  1. Đặc điểm của thuế trực thu

Để giúp nhận diện một sắc thuế là thuế trực thu hoặc để phân biệt với các loại thuế gián thu cần thiết phải thông qua các đặc điểm sau:

(1) Người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế. Đây là đặc điểm khác biệt so với các loại thuế gián thu.

(2) Thuế trực thu thường là các loại thuế đánh vào thu nhập, vào tài sản.

(3) Thuế trực thu bảo đảm sự công bằng trong việc điều tiết thu nhập thặng dư của người nộp thuế. Tuy nhiên, việc tăng mức đóng thuế trực thu sẽ gây ra phản ứng ngược từ người nộp thuế, không khuyến khích việc công khai thu nhập của người nộp thuế.

(4) Thuế trực thu thường gây ra sự phản ứng về thuế của người nộp thuế do không có sự chuyển dịch về thuế (trái ngược với thuế gián thu), nhất là thuế thu nhập cá nhân khi số thuế phải nộp sẽ phụ thuộc vào thuế suất lũy tiến (thu nhập càng cao thuế suất càng lớn).

Ngoài ra, thuế trực thu có cơ chế bảo đảm người nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định nhưng vẫn thường xảy ra việc trốn thuế, hiệu quả của việc thu các loại thuế này phụ thuộc rất lớn vào ý chí tự giác của người nộp thuế.

  1. Thuế trực thu bao gồm những loại thuế nào?

Thuế trực thu gồm một số loại thuế nhưng phổ biến nhất là thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể:

(1) Thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền thuế mà người có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công hoặc các khoản thu nhập khác phải nộp cho ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân.

Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với người nộp thuế khi có thu nhập chịu thuế từ các nguồn thu sau:

– Thu nhập từ tiền lương, tiền công, các khoản thu khác có tính chất như tiền lương, tiền công (đối với cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng; khoản thu nhập này đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo,…).

– Thu nhập từ kinh doanh (hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng).

– Thu nhập từ đầu tư vốn.

– Thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

– Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.

– Thu nhập từ trúng thưởng.

– Thu nhập từ bản quyền.

– Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

– Thu nhập khi nhận thừa kế.

– Thu nhập từ nhận quà tặng.

(2) Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, được tính trên cơ sở thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế và thuế suất.

Để xác định được số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thì người nộp thuế phải xác định được thu nhập tính thuế trong kỳ và thuế suất.

Muốn xác định được thu nhập tính thuế cần phải xác định được doanh thu, chi phí được trừ, các khoản thu nhập khác (nếu có), thu nhập được miễn thuế (nếu có), các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định (nếu có), phần trích lập quỹ khoa học và công nghệ (nếu có)

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thường là 20%, trừ một số ngành, một số khu vực được áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc một số áp dụng thuế suất rất cao như hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguyên quý hiếm đối với các mỏ bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm,…

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply