Thuế nhà thầu là một loại thuế thường áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài (không hoạt động theo pháp luật Việt Nam) có thu nhập từ hoạt động cung cấp dịch vụ, dịch vụ liên quan đến hàng hóa tại Việt Nam.
Thuế nhà thầu không còn là loại thuế mới đối với các doanh nghiệp hiện nay. Hầu hết các hợp đồng với nhà thầu nước ngoài đều sử dụng ngoại tệ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ quy định về viêc xác định tỷ giá khi tính thuế, hạch toán và ghi sổ khi phát sinh giao dịch với nhà thầu nước ngoài.
Mới đây, Tổng Cục Thuế đã ban hành Công văn số 4666/TCT-CS ngày 23/10/2023 gửi các cục thuế hướng dẫn doanh nghiệp xác định tỷ giá khi có phát sinh giao dịch với nhà thầu. Nội dụng công văn cụ thể như sau:
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 576/CT-QLT1 ngày 22/3/2023 của Cục thuế doanh nghiệp lớn về việc xác định tỷ giá nộp thuế nhà thầu, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các đơn vị, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
– Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 27 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 27. Đồng tiền nộp thuế và xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước.
- Người nộp thuế thực hiện nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam, trừ trường hợp được nộp thuế bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp bằng ngoại tệ nhưng được cơ quan có thẩm quyền cho phép nộp thuế bằng đồng Việt Nam…
- Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:
– Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.
– Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.
– Các trường hợp cụ thể khác thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014.”
– Điều 7 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định:
“Điều 7. Đồng tiền khai thuế, nộp thuế
- Đồng tiền khai thuế, nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
- Người nộp thuế hạch toán kế toán bằng ngoại tệ theo quy định của Luật Kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi quy định tại khoản 1, khoản 3 và tỷ giá giao dịch thực tế quy định tại khoản 2 Điều này.”
– Điều 4 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế quy định:
“Điều 4. Đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi và tỷ giá giao dịch thực tế
- Các trường hợp khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi bao gồm:
a) Hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (trừ trường hợp dầu thô, condensate, khí thiên nhiên bán tại thị trường Việt Nam hoặc Chính phủ có quy định khác) …
b) Phí, lệ phí và các khoản thu khác do các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thực hiện thu …
c) Phí, lệ phí do các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam được phép thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ …
d) Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam …
2. Tỷ giá giao dịch thực tế được thực hiện theo quy định pháp luật về kế toán.”
– Điểm 1.3 khoản 1 Điều 69 Thông tư số 200/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư số 53/2016/TT-BTC) quy định về nguyên tắc xác định tỷ giá như sau:
“- Trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể tỷ giá thanh toán:
+ Doanh nghiệp ghi sổ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế: Khi ghi nhận khoản vốn góp hoặc nhận vốn góp là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn; Khi ghi nhận nợ phải thu là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch; Khi ghi nhận nợ phải trả là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch; Khi ghi nhận các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các tài khoản phải trả) là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán.
+ Ngoài tỷ giá giao dịch thực tế nêu trên, doanh nghiệp có thể lựa chọn tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch. Tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo chênh lệch không vượt quá +/- 1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình. Tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình được xác định hàng ngày hoặc hàng tuần hoặc hàng tháng trên cơ sở trung bình cộng giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển khoản hàng ngày của ngân hàng thương mại.”
Căn cứ quy định tại điểm 13 khoản 1 Điều 69 Thông tư số 200/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư số 53/2016/TT-BTC), cho mục đích ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính thì doanh nghiệp cần xác định trường hợp nộp thay thuế cho nhà thầu nước ngoài là giá trị hợp đồng đã bao gồm thuế hay chưa để xác định tỷ giá hạch toán cho phù hợp:
– Đối với trường hợp mà theo hợp đồng thuế nhà thầu nước ngoài là khoản nợ phải thu của doanh nghiệp tại Việt Nam thì tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch;
– Đối với trường hợp mà theo hợp đồng thuế nhà thầu nước ngoài được tính vào giá trị tài sản hoặc các khoản chi phí mua từ nhà thầu nước ngoài mà chưa thanh toán ngay thì tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch;
– Đối với trường hợp mà theo hợp đồng thuế nhà thầu nước ngoài được tính vào giá trị tài sản hoặc các khoản chi phí mua từ nhà thầu nước ngoài được thanh toán ngay bằng ngoại tệ thì tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: