Hoạt động kinh doanh online ngày càng chiếm ưu thế và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực trạng ở Việt Nam hiện nay, các cá nhân kinh doanh online thường áp dụng thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt và thường không xuất hóa đơn. Do đó, nhiều cá nhân bán hàng, kinh doanh dịch vụ online có doanh thu lớn đã tạo ra thách thức với cơ quan thuế trong việc quản lý thu thuế vì khó khăn trong việc xác định thông tin, khó phát hiện và yêu cầu người nộp thuế đăng ký thuế, nộp thuế..
Thời gian qua, các cơ quan thuế đã tăng cường triển khải nhiều biện pháp, nghiên cứu, phân loại để có các giải pháp quản lý phù hợp. Trường hợp không tự nguyện phối hợp, cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế và xử lý theo Luật định.
Chúng ta có thể thấy Luật quản lý thuế mới không chỉ giao quyền hạn, nhiệm vụ cho cơ quan thuế mà còn đề cập cả nhiệm vụ với các cơ quan Nhà nước liên quan như Bộ Công thương, Bộ Thông tin – truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại… trong việc phối hợp quản lý thuế đối với người bán hàng online.
Mới đây, Tổng Cục thuế tiếp tục ban hành văn bản phối hợp gửi Ngân hàng thương mại và cơ quan thuế địa phương về việc yêu cầu cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản để thanh tra. Như vậy, việc cơ quan Thuế kiểm tra tài khoản cá nhân có thể phát hiện các nguồn thu nhập chịu thuế bị bỏ sót chưa khai thuế hoặc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Cụ thể, Tổng cục Thuế vừa có văn bản 2535/TCT-TTKT ngày 21/06/2023 chỉ đạo Cục Thuế doanh nghiệp lớn; cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để tăng cường quản lý thuế.
1. Tổng cục thuế yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản để kiểm tra thuế
– Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của cơ quan thuế.
Trường hợp Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của Cơ quan quản lý thuế thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 19 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
– Các Cục Thuế khi có yêu cầu cung cấp thông tin thì gửi văn bản về Hội sở chính của Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác để triển khai thực hiện.
+ Nội dung yêu cầu cần đầy đủ, chi tiết các thông tin về định danh, nội dung để Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác thực hiện.
+ Đối với các nội dung phức tạp, quan trọng thì có thể thực hiện tổ chức họp giữa Cục Thuế và Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác; hoặc phối hợp, làm việc với Cục Thuế quản lý trực tiếp Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác đó theo quy định của pháp luật.
+ Các Cục Thuế quản lý trực tiếp Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác có trách nhiệm phối hợp với các Cục Thuế khi có yêu cầu.
– Các Cục Thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin, sử dụng thông tin đúng mục đích và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Kê khai, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp và theo dõi số tiền đã chuyển
– Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện việc kê khai, khấu trừ, nộp thay và theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 81 Thông tư 80/2021/TT-BTC
Trường hợp Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không thực hiện thì sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 1, Điều 144 Luật Quản lý thuế.
– Cục Thuế doanh nghiệp lớn có trách nhiệm thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho Hội sở chính của Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Đồng thời, thực hiện phối hợp với Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để triển khai thực hiện Điều 81 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
– Trong quá trình triển khai thực hiện, Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gặp khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện khấu trừ nộp thay đối với nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài tại Việt Nam thì thực hiện báo cáo về Cục Thuế doanh nghiệp lớn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
3. Xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân liên quan
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân liên quan, như sau:
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng: Đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế, tài khoản của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 05 ngày trở lên.
– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế, trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định tại Điều 18 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;
+ Không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước.
– Mức phạt tiền trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Mức phạt tiền đối với cá nhân áp dụng theo nguyên tắc quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Như vậy, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác có trách nhiệm cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của Cơ quan quản lý thuế. Nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt lên đến 16.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: