Trong thời gian khiếu nại, khởi kiện việc nộp thuế được quy định thế nào, thủ tục thực hiện như thế nào? Trong bài viết này, Vinatas sẽ đưa ra một số quy định liên quan tới trường hợp này để các bạn có thể giải quyết được vấn đề nêu trên.

  1. Quy định về khiếu nại, khởi kiện về thuế

Quy định về khiếu nại, khởi kiện về thuế theo Điều 147 và Điều 148 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

* Khiếu nại, tố cáo về thuế:

– Người nộp thuế, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

– Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế, công chức quản lý thuế hoặc tổ chức, cá nhân khác.

– Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

* Khởi kiện về thuế:

Việc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

  1. Quy định của pháp luật về việc nộp thuế trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện

Theo khoản 1 Điều 61 Luật Quản lý thuế 2019, việc nộp thuế trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện được quy định cụ thể như sau:

– Trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện của người nộp thuế về số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do cơ quan quản lý thuế tính hoặc ấn định, người nộp thuế vẫn phải nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đó, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện quyết định tính thuế, quyết định ấn định thuế của cơ quan quản lý thuế.

– Trường hợp số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được xác định theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Tòa án thì người nộp thuế được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.

Người nộp thuế có quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế trả tiền lãi theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.

Nguồn tiền trả lãi được chi trả từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

  1. Một số quy định pháp luật khác liên quan

3.1. Nghĩa vụ của người khiếu nại

Theo điểm c Khoản 2 Điều 12 Luật Khiếu nại 2011 quy định thì trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện người khiếu nại  vẫn phải đảm bảo chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 35 Luật Khiếu nại 2011.

3.2. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết khiếu nại về thuế

Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết khiếu nại về thuế theo Điều 149 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

– Cơ quan quản lý thuế nhận được khiếu nại về việc thực hiện pháp luật về thuế có quyền yêu cầu người khiếu nại cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại; nếu người khiếu nại từ chối cung cấp hồ sơ, tài liệu thì có quyền từ chối xem xét giải quyết khiếu nại.

– Cơ quan quản lý thuế phải hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thu không đúng cho người nộp thuế, bên thứ ba trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

– Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế là người giải quyết khiếu nại thực hiện tham vấn các cơ quan, tổ chức có liên quan, bao gồm cả khiếu nại lần đầu.

Khi thực hiện việc tham vấn, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế phải ban hành quyết định thành lập Hội đồng tham vấn. Hội đồng tham vấn hoạt động theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số.

Kết quả biểu quyết là cơ sở để thủ trưởng cơ quan quản lý thuế tham khảo khi ra quyết định xử lý khiếu nại. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế là người ra quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định xử lý khiếu nại.

3.3. Quy định về áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp hết thời hạn nộp thuế

Người nộp thuế cũng phải lưu ý về thời hạn nộp thuế, theo quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật Quản lý thuế 2019, trường hợp quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế thì người nộp thuế bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

– Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm:

(i) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;

(ii) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;

(iii) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

(iv) Ngừng sử dụng hóa đơn;

(v) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật

(vi) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;

(vii) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

  • Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế nêu trên chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.
  • Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế được thực hiện như sau:
  • Đối với các biện pháp cưỡng chế nêu tại Mục (i), (ii) và (iii), căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan quản lý thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp;
  • Đối với các biện pháp cưỡng chế nêu tại Mục (iv), (v), (vi) và (vii), trường hợp không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trước thì cơ quan quản lý thuế chuyển sang áp dụng biện pháp cưỡng chế sau;
  • Trường hợp quyết định cưỡng chế đối với một số biện pháp chưa hết hiệu lực nhưng không có hiệu quả mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin, điều kiện thì thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo nêu từ Mục (i) đến (vii).

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply