Trường hợp hàng âm kho (có đầu ra nhưng không có đầu vào). Kế toán xử lý bằng biện pháp mượn hàng có được không?
Theo quy định cũ:
Theo Thông tư 119/2014/TT-BTC tại Điều 5, Khoản 3, Điểm a Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tại điểm b, c khoản 1 Điều 16 như sau: (có hiệu lực từ ngày 01/09/2014) ‘b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.” – Nếu theo TT 119 thì việc mượn hàng hóa thì bên cho mượn không cần phải xuất hóa đơn đầu ra cho bên mượn.
Vậy nếu đơn vị mượn hàng hóa của một NCC hoặc đối tác để bán ra, chứng từ kèm theo cho việc mượn hàng là Hợp đồng mượn, BB bàn giao hàng hóa. Sau đó đơn vị đã dùng hàng hóa đó để bán ra và xuất hóa đơn đầu ra cho khách hàng. – Khi nào đơn vị mua được hàng, có hóa đơn tài chính đầy đủ thì tôi xuất trả lại hàng cho bên cho mượn. – Vậy hàng mượn của tôi, khi xuất bán có được tính giá vốn hợp lý hợp lệ không?
Bộ tài chính hướng dẫn như sau:
“Trường hợp trong Hợp đồng “mượn” hàng hóa có thỏa thuận bên mượn được phép bán hàng hóa của bên cho mượn thì Hợp đồng “mượn” hàng hóa nêu trên thực chất là Hợp đồng mua bán hàng hóa, bên bán (tức bên cho “mượn”) phải xuất hóa đơn bán hàng hóa cho bên mua (bên “mượn”) theo quy định.
Trường hợp Công ty của Ông (Bà) có mượn hàng hóa của nhà cung cấp hoặc đối tác theo đúng quy định về Hợp đồng mượn tài sản (hàng hóa) quy định tại Bộ luật dân sự, sau đó Công ty của Ông (Bà) đem tài sản (hàng hóa) mượn để bán ra cho khách hàng là không đúng quy định vì hàng hóa đó không thuộc quyền sở hữu và quyền định đoạt của Công ty của Ông (Bà).”
Căn cứ Điều 494 mục 6. Hợp đồng mượn tài sản Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH 13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 qui định:
– Hợp đồng mượn tài sản: “Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.
Điều 499 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH 13 qui định:
– Quyền của bên cho mượn tài sản: “… 2. Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn…”.
Như vậy, bên cho mượn là chủ sở hữu đối với tài sản và có quyền định đoạt đối với tài sản cho mượn. Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản khi được sự ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, khoản 2a Điều 4 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính thì thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng (GTGT), xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.
Căn cứ các quy định nêu trên,
– Trường hợp trong Hợp đồng “mượn” hàng hóa có thỏa thuận bên mượn được phép bán hàng hóa của bên cho mượn thì Hợp đồng “mượn” hàng hóa nêu trên thực chất là Hợp đồng mua bán hàng hóa, bên bán (tức bên cho “mượn”) phải xuất hóa đơn bán hàng hóa cho bên mua (bên “mượn”) theo quy định.
– Trường hợp Hợp đồng mượn hàng hóa không có thỏa thuận bên mượn được phép bán hàng hóa của bên cho mượn, nếu bên mượn đem hàng hóa mượn để bán cho khách hàng là không đúng qui định tại Bộ luật dân sự vì hàng hóa đó bên mượn không có quyền sở hữu và quyền định đoạt.
Theo quy định mới:
Căn cứ Khoản 1, Điều 4, Nghị định 123/2020/NĐ-CP:
“ Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa…”
Như vậy, kể từ ngày nghị định 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực thì khi xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa phải xuất hóa đơn.