Thuế nhà thầu nước ngoài là loại thuế áp dụng với các cá nhân, tổ chức nước ngoài khi họ có phát sinh thu nhập hay kinh doanh tại Việt Nam. Năm 2023, những đối tượng nào không áp dụng thuế nhà thầu?
- Thuế nhà thầu là gì?
Hiện nay, pháp luật về thuế chưa quy định cụ thể khái niệm “thuế nhà thầu”. Do đó, có thể hiểu thuế nhà thầu là loại thuế áp dụng đối với cá nhân, tổ chức là nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài, khi kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam theo quy định.
Trong đó, theo khoản 37 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 quy định nhà thầu nước ngoài là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc cá nhân mang quốc tịch nước ngoài tham dự thầu tại Việt Nam.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 103/2014/TT-BTC thì nhà thầu phụ nước ngoài thuộc nhóm nhà thầu phụ. Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính.
Nhà thầu phụ đặc biệt là nhà thầu phụ thực hiện công việc quan trọng của gói thầu do nhà thầu chính đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trên cơ sở yêu cầu ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo khoản 36 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013.
- Đối tượng không áp dụng thuế nhà thầu năm 2023
Năm 2023, những đối tượng không áp dụng thuế nhà thầu được quy định tại Điều 2 Thông tư 103/2014/TT-BTC bao gồm:
1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Dầu khí, Luật các Tổ chức tín dụng (Các đối tượng này sẽ áp dụng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng).
2. Tổ chức nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hóa cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức:
– Giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài:
Người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu, giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài;
Người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chở hàng từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).
– Giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam:
Người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hóa cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam;
Người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).
Ví dụ:
Công ty A ở Việt Nam ký hợp đồng nhập khẩu lô máy giặt với Công ty B ở Thái Lan, việc giao hàng được thực hiện tại cửa khẩu Việt Nam.
Công ty B chịu mọi trách nhiệm, chi phí liên quan đến lô hàng cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam; Công ty A chịu trách nhiệm, chi phí liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam.
Trường hợp này, Công ty B không phải nộp thuế nhà thầu.
3. Tổ chức nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.
Ví dụ:
Công ty C của Đài Loan cung cấp dịch vụ thu xếp hàng hóa tại cảng ở Đài Loan cho đội tàu vận tải quốc tế của Công ty D ở Việt Nam. Công ty D phải trả cho Công ty C phí dịch vụ thu xếp hàng hóa tại cảng ở Đài Loan.
Trong trường hợp này, dịch vụ thu xếp hàng hóa tại cảng Đài Loan là dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng tại Đài Loan nên Công ty C không phải chịu thuế nhà thầu tại Việt Nam.
4. Tổ chức nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ dưới đây cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ này được thực hiện ở nước ngoài:
– Sửa chữa phương tiện vận tải (tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển), máy móc, thiết bị (kể cả đường cáp biển, thiết bị truyền dẫn), có bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế kèm theo;
– Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet)
– Xúc tiến đầu tư và thương mại;
– Môi giới: bán hàng hóa,cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;
– Đào tạo (trừ đào tạo trực tuyến);
– Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của Luật Viễn thông; Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ bưu chính quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài theo quy định của Luật Bưu chính, các điều ước quốc tế về Bưu chính mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam.
Ví dụ:
Doanh nghiệp X của Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức Y ở Trung Quốc thực hiện dịch vụ quảng cáo sản phẩm tại thị trường này thì dịch vụ quảng cáo của tổ chức Trung Quốc không phải chịu thuế nhà thầu.
Tuy nhiên, nếu tổ chức Y thực hiện quảng cáo trên internet để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam thì thu nhập từ dịch vụ quảng cáo này thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu.
5. Tổ chức nước ngoài sử dụng kho ngoại quan, cảng nội địa (ICD) làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để doanh nghiệp khác gia công.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: