Thuế nhà thầu (FCT) là loại thuế được áp dụng đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài (không hoạt động theo luật Việt Nam) có phát sinh thu nhập từ cung ứng dịch vụ hay dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam. Vậy hãy cùng tìm hiểu đối tượng nào phải chịu thuế nhà thầu và các loại thuế nhà thầu cần đóng 2023?
- Ai phải chịu thuế nhà thầu?
Căn cứ Điều 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định đối tượng chịu thuế nhà thầu như sau:
Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương I):
– Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam.
Ví dụ 1:
– Trường hợp 1: doanh nghiệp X ở nước ngoài ký hợp đồng mua vải của doanh nghiệp Việt Nam A, đồng thời chỉ định doanh nghiệp A giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam B (theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật). Doanh nghiệp X có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng ký giữa doanh nghiệp X với doanh nghiệp B (doanh nghiệp X bán vải cho doanh nghiệp B).
Trong trường hợp này, doanh nghiệp X là đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư này và doanh nghiệp B có trách nhiệm khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho doanh nghiệp X theo quy định tại Thông tư này.
– Trường hợp 2: doanh nghiệp Y ở nước ngoài ký hợp đồng gia công vải với doanh nghiệp Việt Nam C, đồng thời chỉ định doanh nghiệp C giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam D để tiếp tục sản xuất (theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật). Doanh nghiệp Y có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng ký giữa doanh nghiệp Y với doanh nghiệp D (doanh nghiệp Y bán hàng cho doanh nghiệp D).
Trong trường hợp này, doanh nghiệp Y là đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư này và doanh nghiệp D có trách nhiệm khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho doanh nghiệp Y theo quy định tại Thông tư này.
– Trường hợp 3: doanh nghiệp Z ở nước ngoài ký hợp đồng gia công hoặc mua vải với doanh nghiệp Việt Nam E (doanh nghiệp Z cung cấp nguyên vật liệu cho doanh nghiệp E để gia công) và chỉ định doanh nghiệp E giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam G để tiếp tục gia công (theo hình thức gia công xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật). Sau khi gia công xong, Doanh nghiệp G xuất trả lại hàng cho Doanh nghiệp Z và Doanh nghiệp Z phải thanh toán tiền gia công cho doanh nghiệp G theo hợp đồng gia công.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp Z không thuộc đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư này.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam trong đó tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc chịu trách nhiệm về chi phí phân phối, quảng cáo, tiếp thị, chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc ấn định giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ; bao gồm cả trường hợp uỷ quyền hoặc thuê một số tổ chức Việt Nam thực hiện một phần dịch vụ phân phối, dịch vụ khác liên quan đến việc bán hàng hóa tại Việt Nam.
Ví dụ 2:
Doanh nghiệp A ở nước ngoài giao hàng hóa hoặc uỷ quyền thực hiện một số dịch vụ liên quan (như vận chuyển, phân phối, tiếp thị, quảng cáo…) cho Doanh nghiệp Việt Nam B trong đó Doanh nghiệp A là chủ sở hữu đối với hàng hóa giao cho Doanh nghiệp B hoặc Doanh nghiệp A chịu trách nhiệm về chi phí, chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa giao cho Doanh nghiệp B hoặc Doanh nghiệp A ấn định giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ thì Doanh nghiệp A là đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư này.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam để thực hiện việc đàm phán, ký kết các hợp đồng đứng tên tổ chức, cá nhân nước ngoài.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại.
- Nhà thầu phải đóng các loại thuế nào?
Tại Điều 5 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định các loại thuế áp dụng như sau:
– Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo hướng dẫn tại Thông tư này.
– Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo pháp luật về thuế TNCN.
– Đối với các loại thuế, phí và lệ phí khác, Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí khác hiện hành.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: