Khấu trừ thuế TNCN (thu nhập cá nhân) được áp dụng cho nhiều khoản thu nhập khác nhau. Vậy khấu trừ thuế TNCN là gì? Không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì có cần kê khai hay không?

  1. Khấu trừ thuế TNCN là gì?

Theo nội dung quy định tại Khoản 1, Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, khấu trừ thuế thu nhập cá nhân là hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức chi trả thu nhập thực hiện khấu trừ số thuế phải nộp trước khi thanh toán thu nhập cho người lao động.

  1. Các trường hợp thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân

– Việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân TNCN được thực hiện trên nhiều loại thu nhập khác nhau bao gồm các trường hợp được liệt kê dưới đây:

  • Thực hiện khấu trừ thuế đối với thu nhập của cá nhân không cư trú.
  • Thu nhập từ đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, thu nhập từ việc bán hàng đa cấp, thu nhập từ hoạt động cho doanh nghiệp, tổ chức thuê tài sản.
  • Khấu trừ thuế từ nguồn thu nhập đầu tư vốn.
  • Khấu trừ thuế từ nguồn thu nhập đến từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán.
  • Khấu trừ thuế từ nguồn thu nhập đến từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp đối với cá nhân không cư trú.
  • Khấu trừ thuế từ thu nhập đến từ việc trúng thưởng.
  • Khấu trừ thuế từ thu nhập đến từ bản quyền, chuyển nhượng quyền thương mại.
  • Khấu trừ thuế thu nhập với mức 10% trước khi trả thu nhập đối với một số trường hợp khác.
  • Khấu trừ thuế thu nhập đến từ tiền lương, tiền công của người lao động.

– Những tổ chức, cá nhân thực hiện khấu trừ và trả thu nhập với người lao động cụ thể như sau:

  • Đối với cá nhân cư trú, có ký kết hợp đồng lao động trên 03 tháng thì thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo biểu thuế mẫu lũy tiến từng phần. Trường hợp cá nhân cư trú thực hiện ký kết hợp đồng lao động trên 03 tháng nhưng nghỉ trước khi hết hạn hợp đồng lao động thì vẫn thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
  • Đối với cá nhân là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập cần dựa trên ngày ký kết hợp đồng lao động hoặc văn bản cử sang Việt Nam làm việc để tạm khấu trừ thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần (đối với cá nhân sinh sống và làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm) hoặc khấu trừ thuế theo biểu thuế lũy tiến toàn phần (đối với cá nhân sinh sống và làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm).

– Tính trừ số thuế cần phải nộp trước khi thực hiện trả thu nhập cho người lao động là nội dung của việc khấu trừ thuế. Khấu trừ thuế đối với các loại thu nhập sẽ có sự khác nhau như sau:

  • Khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công về bản chất là tạm nộp (thực hiện khấu trừ theo tháng hay quý), nên hết năm sẽ tiến hành quyết toán số thuế đã nộp để xem bạn đã nộp thừa hay thiếu và có quyền yêu cầu được hoàn thuế.
  • Một số trường hợp có thu nhập sẽ phải thực hiện khấu trừ và đóng thuế vào ngân sách nhà nước ngay lúc nhận thu nhập như thu nhập đến từ việc trúng thưởng.
  1. Không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì có phải khai thuế không?

Không phát sinh khấu trừ thuế được quy định tại nội dung Tiết d.1 Điểm d, Khoản 6, Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau:

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi trả, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Qua nội dung trên, ta có thể thấy tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán thu nhập cho người lao động cần thực hiện quyết toán và kê khai thuế thay cho cá nhân có ủy quyền, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không có phát sinh khấu trừ thuế.

Cụ thể hóa hơn là, trong năm tính thuế, doanh nghiệp, cá nhân có thực hiện thanh toán thu nhập cho người lao động thì phải kê khai và quyết toán thuế, không phân biệt mức thu nhập. Nếu trong năm tính thuế mà doanh nghiệp không trả tiền lương, tiền công cho người lao động thì không cần thực hiện khai thuế.

  1. Không khai thuế thì có bị phạt hay không?

Doanh nghiệp và cá nhân có nghĩa vụ thanh toán thu nhập cho người lao động không thực hiện khai thuế theo quy định thì sẽ bị phạt. Mức phạt dựa trên thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật tại Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Phạt cảnh cáo: Đối với trường hợp nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 đến 05 ngày theo quy định của pháp luật về Luật quản lý thuế.
  • Phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng: Đối với trường hợp nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 đến 30 ngày.
  • Phạt tiền từ 05 – 08 triệu đồng: Đối với trường hợp nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 31 đến 60 ngày.

Lưu ý: Trong trường hợp phát sinh hoàn thuế thu nhập cá nhân dẫn đến việc nộp hồ sơ khai thuế bị chậm trễ thì không áp dụng phạt đối với trường hợp này.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply